Các ngân hàng trung ương lớn vẫn liên tục đẩy mạnh mua vàng. Chuyên gia đánh giá rằng nhu cầu mua vàng của các quốc gia có thể là yếu tố chính khiến giá vàng vượt mốc kỷ lục 2.300 USD/ounce.
Các nước vẫn tăng cường tích trữ vàng
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong tháng 1, các ngân hàng trung ương đã tăng dự trữ vàng chính thức toàn cầu thêm 39 tấn. Con số này cao hơn gấp đôi số lượng mua ròng trong tháng 12/2023 là 17 tấn và đây cũng là tháng mua ròng thứ 8 liên tiếp của các ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Báo cáo của WGC chỉ ra rằng, 6 ngân hàng Trung ương đã tăng dự trữ vàng và thường xuyên mua vào trong thời gian gần đây.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường bổ sung vàng vào kho dự trữ nhiều nhất với lượng vàng mua trong tháng 1 lên tới 12 tấn, nâng tổng lượng vàng nắm giữ của quốc gia này lên 552 tấn.
Trong khi đó, dự trữ vàng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng 10 tấn. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mua vàng liên tiếp trong suốt 15 tháng qua.
Các ngân hàng trung ương đã tăng dự trữ vàng chính thức toàn cầu thêm 39 tấn (Ảnh: Mint).
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã bổ sung thêm gần 9 tấn vàng vào kho dự trữ, ngân hàng này hiện nắm giữ 812 tấn vàng.
Trong khi đó, hoạt động bán ra của các ngân hàng trung ương trong tháng 1 ghi nhận giảm đáng kể. Đáng chú ý, dự trữ vàng tại Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục giảm 3 tấn theo lộ trình từ năm 2021.
Theo WGC, hoạt động mua vào tháng 1 cũng hỗ trợ kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ là một năm ổn định về nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương. Các cơ quan này, đặc biệt là các ngân hàng ở các thị trường mới nổi đã thể hiện rõ chiến lược dài hạn hướng tới tích lũy vàng từ năm 2010.
Lý giải việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, WGC cho rằng các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản.
Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị. Trong bối cảnh đó, gia tăng sở hữu vàng vẫn là chiến lược phù hợp.
Nguyên nhân khiến giá vàng tăng "dựng đứng"?
Krishan Gopaul, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại WGC, cho rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vẫn ổn định trong những tháng đầu năm nay. Nhu cầu mua vàng của ngân hàng trung ương là yếu tố chính đằng sau đợt tăng giá mới nhất của vàng lên trên 2.300 USD/ounce
"Các ngân hàng trung ương báo cáo mua thêm 64 tấn trong tháng 1 và 2, thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng lại tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022", Gopaul nhận định.
Tuy nhiên, trong tháng 2, lượng mua vàng đã giảm 58% so với tháng 1 do một số ngân hàng trung ương cũng tăng lượng bán vàng. Theo chuyên gia, mặc dù nhu cầu từ các ngân hàng trung ương giảm tốc trong tháng 2, nhưng xu hướng mua vàng vẫn được duy trì.
Khách hàng chọn mua vàng tại Trung Quốc (Ảnh: China daily)
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn tiếp tục thống trị thị trường vàng khi mua vào 12 tấn kim loại quý này trong tháng 2 năm nay.
"Tính cả tháng 2, lượng vàng dự trữ của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp, dù vàng trong tổng lượng tài sản dự trữ của nước này vẫn ở mức khoảng 4%", Gopaul cho biết. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì nước này muốn đa dạng hóa tài sản và giảm lượng USD nắm giữ.
Dù nhu cầu của PBoC thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường, tuy nhiên WGC lại nhấn mạnh rằng Trung Quốc không phải là khách mua vàng duy nhất.
Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc cũng mua thêm 2 tấn vàng dự trữ trong tháng 2, tiếp tục chuỗi 12 tháng mua vào liên tiếp. Trong giai đoạn đó, Cộng hòa Séc mua tổng số gần 22 tấn vàng, nâng tổng lượng vàng dự trữ của họ lên 34 tấn, tăng 183% so với cuối tháng 2/2023".
Tương tự, Singapore cũng mua 2 tấn vàng trong tháng 2, khiến lượng dự trữ của đảo quốc sư tử tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Mặc dù hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương chậm lại đáng kể, các nhà phân tích kỳ vọng rằng nhu cầu mua vào sẽ không sớm dừng lại, mang lại hỗ trợ cho thị trường.
"Hầm trú ẩn" trong môi trường đầy biến động
Ông Kamol Alimukhamedov, Phó giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Uzbekistan, cho rằng hiện nay, vàng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Vàng giữ vai trò là một tài sản an toàn, phòng hộ trước lạm phát và là một tài sản dự trữ cho các ngân hàng trung ương. Ông cho rằng việc các ngân hàng trung ương sử dụng vàng như một loại tài sản trú ẩn đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này.
Chuyên gia liệt kê nhiều thách thức kinh tế và địa chính trị dẫn tới việc vàng phát huy mạnh mẽ vai trò "hầm trú ẩn" trong gần 2 thập kỷ trở lại đây.
"Những gián đoạn trên thị trường do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19, thời kỳ lãi suất âm kéo dài và những bấp bênh địa chính trị gây ra bởi các biện pháp trừng phạt tài chính khiến dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng. Tất cả đều củng cố tầm quan trọng chiến lược của vàng với tư cách một nệm đỡ chống lại bất ổn định tài chính", ông Alimukhamedov chỉ rõ trong báo cáo.
Bên cạnh đó, ông Alimukhamedov nhấn mạnh rằng từ năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới bất ngờ trở nên quan tâm hơn đến việc tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối.
Năm 2022, các ngân hàng trung ương trở nên lạc quan hơn về vàng với tư cách một tài sản dự trữ. 61% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của WGC nói rằng họ kỳ vọng dự trữ vàng toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Lập trường của các ngân hàng trung ương đối với vàng đã thay đổi trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính. Kể từ đó, các ngân hàng trung ương trở thành một lực lượng mua ròng vàng mạnh mẽ bất chấp giá vàng ngày càng tăng.
Việc các ngân hàng trung ương sử dụng vàng như một loại tài sản trú ẩn đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này (Ảnh: Getty images).
Chuyên gia cho biết các ngân hàng trung ương tăng nắm giữ vàng mạnh nhất khi họ dự kiến phải đối mặt hoặc đang đối mặt các biện pháp trừng phạt tài chính. Nghiên cứu cho thấy cả khối lượng và giá trị của dự trữ vàng thường tăng khi các ngân hàng trung ương phản ứng với lệnh trừng phạt áp đặt bởi các nền kinh tế lớn.
Ông Kamol Alimukhamedov nhận định rằng sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, những ngân hàng trung ương lo sợ bị phương Tây trừng phạt nhất chính là các ngân hàng trung ương mua vàng mạnh nhất.
Các biện pháp trừng phạt gần đây chống lại Nga có thể khiến các ngân hàng trung ương có xu hướng chuyển dự trữ của họ từ ngoại hối sang vàng. "Vàng là tài sản vật chất có thể được lưu trữ trong nước, không giống như dự trữ ngoại tệ có thể bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt", chuyên gia lý giải.
Không những vậy, các đợt mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng giúp họ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Chuyên gia cho rằng các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng đến biến động giá vàng và có thể liên quan đến lo ngại của các quốc gia về các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Ông Alimukhamedov cho rằng xu hướng tăng nắm giữ vàng của các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Việc các quốc gia tăng nắm giữ vàng có thể khiến giá vàng tăng mạnh và các quốc gia sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho việc dùng vàng làm tài sản dự trữ.
Theo Phương Liên/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-nuoc-van-o-at-gom-tich-tru-vang-20240405234944711.htm