Nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn ngân hàng
Sáng nay, 14-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư kỳ vọng hội nghị sẽ đưa ra được giải pháp giúp khơi thông dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Bởi những cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy nhiều DN vẫn đang gặp khó về vốn.
Không còn tài sản thế chấp
Khảo sát của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) mới đây cho thấy mặc dù ngân hàng (NH) có nhiều vốn cho vay nhưng DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận được do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Cụ thể, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng…
"Có tới 41% DN khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Do đó, NH nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…" - báo cáo nêu.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết công ty không thiếu vốn ngắn hạn để mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu, chỉ thiếu nguồn vốn vay trung và dài hạn (5 - 10 năm) để đầu tư theo chuỗi ngành hàng lúa gạo. Đặc biệt, sắp tới khi Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" của Chính phủ được triển khai, vấn đề nguồn vốn sẽ càng cấp thiết. Vốn vay chủ yếu để đầu tư hạ tầng như máy sấy, silo (bồn bảo quản lúa) để nâng cao chất lượng hàng gạo.
"Dù có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, NH Nhà nước về chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp nhưng tôi thấy các NH vẫn đánh giá ngành nông nghiệp rủi ro cao, sợ mất vốn nên chủ yếu cho vay trên tài sản bảo đảm chứ không dựa vào tính khả thi của dự án" - ông Bình nhìn nhận.
Ông Bình cũng nêu vấn đề lớn khác là các NH chủ yếu cho vay dựa trên tài sản thế chấp. DN được cấp hạn mức từ 60% đến 75% giá trị tài sản theo định giá của NH chứ rất ít khi được vay tín chấp. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa gạo cao hơn 20% - 30% nhưng hạn mức cho vay không tăng theo giá lúa gạo nên không đáp ứng được nhu cầu mua gạo của các DN.
Theo số liệu của NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đến giữa tháng 2-2024 vẫn giảm 1% so với cuối năm ngoái, cho thấy khả năng hấp thụ vốn và nhu cầu vốn của nền kinh tế chưa cao.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Thanh Hà lý giải tín dụng tăng trưởng chậm dù thanh khoản rất dồi dào là do yếu tố mùa vụ hoạt động tín dụng giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
Thời gian tới, để thúc đẩy tín dụng, NH Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản theo Luật Các tổ chức tín dụng mới được ban hành, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng.
"Thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào và phía NH cũng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho DN nhỏ và vừa, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các DN này" - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phản ánh vẫn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Thay đổi chính sách tín dụng
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP HCM, nêu thực tế kinh tế vĩ mô đang có chiều hướng phục hồi và phát triển nhưng DN vẫn còn khó khăn. Nhiều chủ DN, nhà đầu tư chưa có kế hoạch kinh doanh mới khả thi, một số đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai vì còn chờ điều kiện chín muồi hơn.
Bên cạnh đó, các DN chưa có nhiều đơn hàng nên không triển khai kế hoạch đầu tư dẫn đến nhu cầu vay vốn NH không cao. "Để khơi thông dòng vốn tín dụng cần đẩy mạnh kinh tế vĩ mô, giúp DN có đơn hàng, người lao động có thu nhập...; cần thay đổi chính sách liên quan tín dụng, đặc biệt về tài sản thế chấp, tăng giá trị cho vay trên tài sản thế chấp lĩnh vực nông nghiệp song song với hạ lãi suất vay, đặc biệt là đối với những ngành khuyến khích đầu tư như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…" - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, sắp tới NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM ký cam kết với 17 NH thương mại đưa ra gói vay 509.000 tỉ đồng, trong đó có việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. "Hy vọng với gói vay này, tình hình thị trường vốn sẽ tốt hơn" - ông kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HUBA, đề xuất chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ - nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho DN như thời gian vừa qua.
Ông cũng kiến nghị nhà nước nên xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
"Kiến nghị nhà nước quan tâm hỗ trợ ứng dụng nền tảng số trong quản trị DN như: sử dụng phần mềm, điện toán đám mây, tạo điều kiện cho DN và người dân sử dụng dữ liệu dùng chung cho từng ngành, từng lĩnh vực, tiết kiệm chi phí và hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực công nghệ thông tin" - ông Hưng nêu ý kiến.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng góp ý cần có cơ chế cho DN nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay. Bởi hiện nay, hệ thống NH thương mại không phải là "sân chơi" của DN nhỏ và vừa, nhiều DN không vay được vốn. Do vậy, Chính phủ phải quan tâm hơn về vấn đề này, tạo nguồn vốn phù hợp cho các DN nhỏ và vừa.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - khuyến nghị các DN cần kiên trì kiến nghị đúng, trúng những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, về cơ bản, việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế thời gian qua đã được Chính phủ thúc đẩy, gồm: hướng dẫn triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); thực thi các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho TP HCM…
Chuyên gia này cho biết ông vừa tiếp xúc 10 quỹ đầu tư nước ngoài rất lớn, họ có ý định dành ít nhất khoảng 1 - 2 tỉ USD ngân sách đầu tư vào Việt Nam trong năm nay. Ngoài ra, Việt Nam đang phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán đúng tiến độ, khả năng thu hút 7 - 8 tỉ USD, thậm chí 10 tỉ USD, thông qua kênh đầu tư gián tiếp. Đây chính là nguồn vốn trung - dài hạn cho DN.
Rút gọn thủ tục triển khai dự án Về phía DN bất động sản, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho biết DN đang gặp một số khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) theo chủ trương của Chính phủ. Ông kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu đơn giản hóa, nhanh gọn bằng hoặc nhanh hơn nhà ở thương mại. Cụ thể, về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, cần thực hiện nhanh, có thể làm song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu cũng như các thủ tục khác về xác định tiền thuê đất... Các thủ tục dự án NƠXH còn nhiều nên cần rút ngắn hơn về thủ tục hành chính. Lãnh đạo Vinhomes cũng nêu vấn đề về suất vốn đầu tư nhà ở xã hội khi quy định của Bộ Xây dựng ban hành giảm 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại. Theo ông Hoa, quy định như vậy là chưa thể bảo đảm. Bởi bản thân suất đầu tư nhà ở thương mại đã thấp hơn thực tế các DN đang làm. Nay suất vốn đầu tư NƠXH còn thấp hơn 20% - 25% cần xem xét lại. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-von-vay-196240313212432736.htm