Nhiều ngày qua, những chuyến xe chở các loại nông sản như chè xanh, bí, rau dớn, ớt núi... do bà con Cơ Tu (huyện Tây Giang, Quảng Nam) hái từ rừng, trồng ở bìa rẫy đã được đưa về khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng để phục vụ khách lưu trú.
Nông sản, rau quả từ núi rừng Tây Giang được đưa vào chế biến phục vụ khách ở Furama Resort Đà Nẵng - Ảnh: N.TÍN
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, tổng giám đốc Công ty CP khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort Đà Nẵng), cho biết những sản phẩm này đã được khách lưu trú ở đây thưởng thức và đánh giá cao.
"Mới nhất là trong chuyến thăm Đà Nẵng, Hội An của bà Abe Akie, phu nhân cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, cùng đoàn, chúng tôi đã dùng những món đặc sản rừng núi của bà con Cơ Tu để phục vụ bữa tiệc. Mọi người đều khen rất ngon", ông Quỳnh cho biết.
Trước đó, từ đầu năm 2024, một nhóm doanh nghiệp trong đó có đại diện khu nghỉ dưỡng này đã lên vùng núi cao huyện Tây Giang (Quảng Nam), với đa số người dân là đồng bào Cơ Tu, để khảo sát và thông qua chính quyền "đặt hàng" nông sản sạch của người dân nơi đây.
Theo đó, toàn bộ nông sản của bà con Tây Giang được trồng theo quy trình nông nghiệp sạch sẽ được các doanh nghiệp mua toàn bộ.
Những sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa vào phục vụ khách trong các khu lưu trú. Loại rau củ xấu hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sẽ được doanh nghiệp phục vụ suất ăn công nghiệp nhận tiêu thụ.
Ngoài nông sản ở Tây Giang, ông Quỳnh cho biết Furama Resort Đà Nẵng và các doanh nghiệp ở Đà Nẵng sẽ tìm cách mua nông sản của bà con ở các nơi khác.
Ông Lê Hoàng Linh - bí thư xã Tr'Hy, huyện Tây Giang - cho biết địa phương này có nhiều đặc sản, dược liệu từ tự nhiên hoặc do bà con trồng tỉa quanh vườn nhà, trên nương rẫy.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên địa phương đón một đầu mối thu mua nông sản là một khu lưu trú 5 sao tại Đà Nẵng cùng ba doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, đặt ra quy trình nông sản sạch để nông dân sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Furama Resort Đà Nẵng mua lượng nông sản này từ bà con thông qua hội nông dân.
"Nguồn nông sản ở Tây Giang phong phú. Nếu được tổ chức sản xuất bài bản sẽ cung cấp số lượng lớn nông sản sạch cho các doanh nghiệp", ông Linh khẳng định.
Cơ hội rộng mở cho đặc sản Không chỉ nông sản Tây Giang, những cây mía ở xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng), sâm bố chính (Thừa Thiên Huế) hay nước mắm truyền thống Nam Ô cũng được đưa vào phục vụ các du khách tại Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, việc các doanh nghiệp này bắt tay với nông dân Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình hợp tác để đưa hàng hóa vùng cao về TP. Đà Nẵng có khoảng 54.000 phòng lưu trú, khách đến du lịch mỗi ngày rất lớn kéo theo nhu cầu nhập rau, củ quả, nông sản. |
Theo Thái Bá Dũng/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dac-san-co-tu-vao-resort-5-sao-20240312081926415.htm