Nhóm nông dân, doanh nghiệp nhỏ cung cấp nguyên liệu đang rất cần vốn để duy trì sản xuất
Năm 2024, các ngành nông - lâm - thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 54-55 tỉ USD. Ngay tháng đầu tiên của năm, toàn ngành đã mang về kim ngạch hơn 5,15 tỉ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo tiền đề hết sức tích cực cho đà hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) từ nay đến cuối năm. Điều đó có nghĩa là nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của DN trong ngành sẽ tăng cao.
Mở rộng gói tín dụng lên 30.000 tỉ đồng
Thực tế, nhu cầu vốn của các ngành nông - lâm - thủy sản đã tăng trưởng mạnh từ nửa cuối năm 2023 nhờ đà hồi phục của xuất khẩu. Tại hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng (NH) năm 2024 vừa diễn ra, lãnh đạo NH Nhà nước thông tin gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm - thủy sản đã giải ngân hết, hoàn thành 100% mục tiêu đề ra dù thời hạn của chương trình còn kéo dài tới tháng 6-2024.
Các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản .Ảnh: NGỌC TRINH
Với kết quả khả quan đạt được, ngay tại hội nghị, NH Nhà nước cùng các NH thương mại đã thống nhất mở rộng quy mô gói tín dụng lên 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tín dụng nông nghiệp. Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú khuyến khích các NH thương mại cho vay gói tín dụng nông - lâm - thủy sản với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân và dùng nguồn lực của chính NH để hỗ trợ DN và nông dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết chỉ riêng vùng ĐBSCL, NH đang có dư nợ hơn 100.000 tỉ đồng trong lĩnh vực nông - thủy sản. Đây là những lĩnh vực mà NH luôn ưu tiên đẩy mạnh cho vay.
Tổng Giám đốc NH Bưu điện Liên Việt (LPBank) Hồ Nam Tiến cho hay LPBank đang dành gói khoảng 5.000 tỉ đồng cho các khách hàng vay vốn lĩnh vực tín dụng xanh. Cùng với các gói tín dụng ưu đãi, NH cũng cải tiến quy trình phê duyệt cho vay; thay đổi mô hình tổ chức hoạt động đầu năm 2024; rút ngắn thời gian phê duyệt và giải ngân cho vay trong 24 giờ. NH cũng chủ động cho đơn vị kinh doanh cấp hạn mức trong phạm vi nhất định, giúp tiếp cận vốn vay của khách hàng nhanh chóng và hiệu quả. "Dù vậy, một trong những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp tín dụng là nhiều DN vừa và nhỏ báo cáo tài chính chưa chuẩn. Các NH phải sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau trong quá trình ra quyết định cho vay để bảo đảm an toàn" - ông Hồ Nam Tiến nói.
Cho vay cần linh hoạt hơn nữa
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá cao chủ trương của NH Nhà nước khi sắp bổ sung gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho ngành lâm - thủy sản, là động lực tốt cho ngành trong năm 2024.
Theo bà Hằng, hiện nay tình trạng nông dân nuôi tôm, cá tra bỏ ao khá nhiều nên các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu, điều này ảnh hưởng lớn sản lượng, giá trị xuất khẩu thủy sản trong năm nay. Nhóm nông dân, DN nhỏ cung cấp nguyên liệu rất cần vốn để duy trì sản xuất. "Tuy nhiên, năm qua các DN trong ngành vẫn than khó tiếp cận vốn vay ưu đãi vì thủ tục rất phức tạp - ngoài khả năng thực hiện của họ. Rất mong việc triển khai gói tín dụng mới nhận được sự quan tâm của các địa phương để nguồn vốn được triển khai thực chất, hiệu quả" - bà Lê Hằng kiến nghị.
Lãnh đạo một DN thủy sản ở TP Cần Thơ cũng nhận định việc tăng quy mô gói tín dụng trên rất cần thiết cho DN trong tình hình khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, DN này đề nghị NH Nhà nước cần chỉ đạo các NH thương mại quyết liệt giải quyết thủ tục cho DN chứ đừng chần chừ, chậm triển khai như thời gian qua. "Các NH cũng cần linh hoạt cho vay tùy từng thời điểm, tránh tình trạng lúc DN cần vay 50 tỉ đồng, NH lại cho hạn mức đến 100 tỉ đồng, tiền dư DN không biết làm gì. Còn lúc DN cần vay nhiều thì NH lại cho vay hạn mức thấp, DN không đủ tiền mua nguyên liệu, nông dân bán hàng qua thương lái rất dễ bị ép giá" - lãnh đạo DN này cho biết.
Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cũng phản ánh trong ngành lúa gạo, DN thường xuyên thiếu vốn vào những lúc cao điểm thu hoạch rộ nhưng lại khó tiếp cận tín dụng. Lý do, các NH sợ mất vốn nên cho vay rất chặt chẽ, chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm để cấp hạn mức cho vay. "Ví dụ, một DN có tài sản 100 tỉ đồng chỉ được vay tối đa 70 tỉ đồng. Số tiền này chỉ mua được 5.000 tấn gạo, rất ít so với nhu cầu xuất khẩu. Thực tế, DN gạo có tài sản bảo đảm lớn để được vay NH không nhiều. Các hình thức cho vay tín chấp dựa trên hợp đồng xuất khẩu cũng rất ít DN được hưởng. Có vẻ như NH vẫn đánh giá DN kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành rủi ro cao" - tổng giám đốc công ty này nói.
Giảm bớt thủ tục Liên quan đến hồ sơ, thủ tục cho vay, ông Nguyễn Tuấn Anh - quyền Chánh Thanh tra, giám sát NH thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước - cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khi xây dựng quy trình nội bộ về cho vay cần phân hóa từng sản phẩm để rút gọn thời gian giải ngân. "Tôi từng đi vay NH và thấy hồ sơ thủ tục rất chặt chẽ nhưng có những sản phẩm cho vay có thể giảm bớt thủ tục cho khách hàng. Như cho vay sổ tiết kiệm tương đối an toàn nhưng NH vẫn yêu cầu ký nhiều giấy tờ để giải ngân, có thể nghiên cứu giảm bớt tối đa thủ tục hành chính cho khách hàng" - ông Nguyễn Tuấn Anh nói. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/day-von-re-ra-nen-kinh-te-tang-cuong-cho-vay-nong-thuy-san-196240222211015422.htm