Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023 và chuẩn bị Tết Nguyên đán.
Thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng. Ảnh minh họa
Đây chính là thời điểm “vàng” giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số, từ đó cũng giúp kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa.
Tăng sản lượng, đảm bảo nhu cầu
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước cũng đã diễn ra khá sôi động và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2023 và tiếp theo đó là đến Tết Nguyên đán 2024. Trong điều kiện xuất khẩu chưa vượt qua khỏi những khó khăn, việc kích thích sức mua xã hội, đẩy mạnh việc tăng doanh số ở thị trường nội địa đang là một điều tất yếu.
Bà Kiều Xuân Lê, Giám đốc Công ty thực phẩm Hoàng Đông cho biết, doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch rà soát lại nguồn hàng cũng như tập trung cho việc sản xuất hàng Tết. Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng 30% sản lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán so với năm ngoái, dù người dân vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Quân, Giám đốc dây chuyền tại Công ty Miklake chia sẻ, hiện một số dây chuyền của doanh nghiệp đã “chạy” sản lượng cho cuối năm nay.
“Công ty đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 7% so với cùng kỳ và 3.000 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường vào thời điểm cận Tết”, ông Quân cho hay.
Theo ông Quân, trước những biến động của thị trường, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công… có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp chọn phương án căn cứ vào diễn biến của thị trường để có kế hoạch sản xuất cụ thể, cân đối sản lượng phù hợp đối với từng mặt hàng.
Tung chính sách thu hút tiêu dùng
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm giải pháp tăng sức mua cho thị trường, kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ từ Nhà nước và cả doanh nghiệp; đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chấp nhận giảm giá để kích thích thị trường.
Trong khi đầu tư xuất khẩu suy giảm thì chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các tập đoàn bán lẻ, thiết lập các chuỗi phân phối thuận tiện hơn.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, hiện trên thị trường các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để vừa chia sẻ bớt áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Hào cho rằng, các chương trình kích cầu tiêu dùng vào thời điểm cuối năm là rất cần thiết, cần phải dùng các giải pháp mạnh. Chính sách phải tạo ra 1 cú sốc, đột phá, một cú hích mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Doanh nghiệp phải phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kích cầu tiêu dùng cuối năm, giúp thị trường sống động lên, tạo nên khí thế, niềm tin mới và giúp doanh nghiệp Việt Nam vực dậy.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thông tin, do khó khăn của thị trường tiêu dùng nên các nhà bán lẻ cũng có sự dè chừng, theo sát nhau về giá bán để tăng tính cạnh tranh. Chính vì vậy mà việc điều chỉnh giá bán cũng được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.
Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.
Tại các hệ thống siêu thị, nhiều chương trình khuyến mại diễn ra không chỉ trong tháng, mà thậm chí có những chương trình khuyến mại trong tuần và chương trình khuyến mại đặc biệt để giúp kích cầu nhiều hơn.
Tại Hà Nội, tháng 11 diễn ra hàng loạt sự kiện như “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố, với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.
Sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra vào dịp Black Friday, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia.
Theo Đức Huy/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-truoc-tet-doanh-nghiep-chu-dong-len-phuong-an-post661429.html