Giá dầu tăng mạnh sau khi các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu tiếp tục cắt giảm sản lượng đến cuối năm và nỗi lo xung đột Trung Đông lan rộng
Giá dầu Brent có lúc tăng lên 86,06 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 6-11 trong khi giá dầu WTI đạt 81,6 USD/thùng. Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi trước đó xác nhận tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, tức sản lượng tháng 12 của nước này còn khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi cho hay: "Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa rủi ro của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài gồm Nga (gọi tắt là OPEC+), hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ".
Sau tuyên bố của Ả Rập Saudi, Nga cũng thông báo tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12. Theo Reuters, OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 26-11 tại thủ đô Vienna - Áo.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) cho rằng trọng tâm của thị trường đã chuyển từ nỗi lo nguồn cung bị gián đoạn sang lo ngại nhu cầu dầu sụt giảm.
Tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz Ảnh: REUTERS
Trong tuần này, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến nhiều dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 gây thất vọng. Nhà phân tích Tony Sycamore tại Công ty phân tích thị trường IG (Úc) dự báo giá dầu sẽ tiếp tục được đẩy cao bởi thông tin từ Trung Đông và số liệu phân tích kỹ thuật trong tuần này.
Một yếu tố làm giá dầu biến động khác là Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tăng cường các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran hôm 3-11, trong đó sẽ áp đặt biện pháp đối với các cảng và nhà máy lọc dầu nước ngoài xử lý xăng dầu xuất khẩu từ Iran.
Chưa hết, nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông cũng gây lo ngại cho eo biển Hormuz nằm giữa Oman và Iran - tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, nơi có khoảng 1/5 sản lượng dầu toàn cầu qua lại mỗi ngày.
Dù vậy, ông Andy Lipow, Chủ tịch Công ty Tư vấn Lipow Oil Associates (Mỹ), đánh giá: "Khả năng xảy ra gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là việc đóng cửa eo biển Hormuz, là rất thấp", bởi các nhà sản xuất dầu như Ả Rập Saudi, Iran, Iraq và Kuwait vẫn phụ thuộc vào doanh thu từ việc qua lại eo biển này.
Các nhà phân tích Ngân hàng Goldman Sachs đồng quan điểm trên, song Ngân hàng Thế giới dự báo giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng nếu xung đột tiếp tục leo thang. Trong khi đó, Ngân hàng Morgan Stanley ước tính giá dầu duy trì ở mức 110 USD/thùng cũng có thể làm suy yếu sự ổn định kinh tế của Ấn Độ. Là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế dễ bị tác động nhất ở châu Á nếu giá dầu thô tăng.
Theo báo The Guardian (Anh), ông Larry Fink, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock (Mỹ), nhận định sự kết hợp giữa cuộc xung đột ở Gaza và xung đột Nga - Ukraine đã đẩy thế giới đến một tương lai hoàn toàn mới. Ông Jamie Dimon, Chủ tịch ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan, lập luận những gì đang xảy ra trên mặt trận địa chính trị hiện nay gây tác động nhiều nhất đến tương lai của thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rất bấp bênh. |
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-dau-bap-benh-giua-loat-bien-dong-20231106211543405.htm