Vinamilk đã chạm tới mức doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng trong 2 năm qua và đang nỗ lực "vượt qua cái bóng" của chính mình.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) đã có 47 năm hình thành và phát triển. Mới đây, công ty này quyết định thay đổi nhận diện thương hiệu (logo).
Nhìn lại kết quả kinh doanh trong 5 năm qua có thể thấy doanh nghiệp đang gặp các rào cản nhất định về mặt tăng trưởng. Trong năm 2022, doanh thu giảm nhẹ khoảng 2% thì lợi nhuận giảm 19% so với năm trước. 2022 cũng là năm thứ 2 liên tiếp, Vinamilk suy giảm lợi nhuận.
Nguyên nhân được cộng hưởng từ lạm phát giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao và biến động tỷ giá. Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cũng giảm qua các năm. Năm 2022, lần đầu biên lợi nhuận gộp giảm dưới 40%.
Chi phí bán hàng luôn chiếm tỷ lệ lớn tại Vinamilk trong nhiều năm qua. Đó là các khoản chi phí dịch vụ khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng; chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường.
Trong năm 2022, chi phí bán hàng là 12.548 tỷ đồng, đã giảm 3% so với năm trước. Tuy nhiên tính trung bình, mỗi ngày, công ty sữa này vẫn phải chi 34,8 tỷ đồng cho chi phí này.
Công ty cũng là doanh nghiệp ít vay nợ. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 0,15 lần. Các chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đều ở mức cao, lần lượt là 26,1% và 17,6%.
Năm nay, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thử thách. Công ty cần chuyển đổi để "vượt qua cái bóng" của chính mình. Ưu tiên ngắn hạn là tăng trưởng thị phần và doanh số một cách bền vững, có lợi nhuận.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.622 tỷ đồng, tăng 5,5% và 0,5% so với thực hiện năm trước.
Theo Khổng Chiêm/ Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vinamilk-kinh-doanh-ra-sao-truoc-khi-thay-doi-nhan-dien-thuong-hieu-20230707144411762.htm