Thế giới từng choáng ngợp trước thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhưng giờ đây cái giá của bùng nổ kinh tế ấy là "núi nợ" ngày càng phình to.
"Bom" nợ công
Để hiện thực hóa tham vọng lớn của mình, Chính phủ Trung Quốc tạo ra thị trường tài chính nội bộ đặc biệt. Từ những năm 2000, cơn sốt xây dựng khắp cả nước, những địa phương được phép vay không giới hạn để xây dựng các đô thị và khu công nghiệp.
Khi ấy, Chính phủ Trung Quốc ước tính khoảng 300 triệu người, tương đương dân số Mỹ, sẽ chuyển tới sống tại các khu vực đô thị trong 15 năm tới. Doanh nghiệp và địa phương đã ngay lập tức tiến hành xây 100 sân bay, hàng trăm triệu căn hộ, hàng chục nghìn km đường nhằm đón đầu xu hướng phát triển.
Nguồn vốn một phần do ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các ngân hàng thương mại cho vay, một phần huy động qua kênh phát hành trái phiếu.
Theo ông Ting Lu, chuyên gia tại ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), gần 90% cơ sở hạ tầng đô thị tại Trung Quốc được tiến hành xây dựng bởi các công ty thành lập dưới sự tài trợ của chính quyền địa phương. Và để xây dựng được những công trình lớn như vậy, các công ty này buộc phải vay một lượng tiền lớn từ ngân hàng.
Các công trường xây dựng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc mở ra phương thức gọi vốn cho địa phương thông qua phát hành trái phiếu. Nhiều chuyên gia kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đã lên tiếng cảnh báo về những mặt trái của kế hoạch này và lo ngại các địa phương sẽ khó có thể đủ sức chi trả cho các khoản nợ của mình.
Năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Chính phủ nước này đã phải đóng cửa một ngân hàng khu vực để ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi. Năm ngoái, làn sóng vỡ nợ của các công ty bất động sản đã khiến nhiều người mua ngừng thanh toán thế chấp.
Cả 2 sự việc đều đã được giải quyết và khủng hoảng tài chính đều lắng xuống. Một số ý kiến còn cho rằng Trung Quốc đã trở nên an toàn hơn với nhà đầu tư sau khi Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các ngân hàng và công ty bất động sản còn quá nhiều nợ.
Các chính quyền địa phương Trung Quốc giờ đây phải chọn lựa giữa thắt chặt chi tiêu mạnh mẽ hay giảm ngân sách cho các dự án kích thích tăng trưởng kinh tế để trả nợ.
Phần nổi của tảng băng chìm
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều địa phương ở Trung Quốc đang chật vật trước những khoản nợ vay khổng lồ. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ hệ thống tài chính bất ổn nếu các vụ vỡ nợ ở địa phương lan rộng.
Nợ của các địa phương đang chiếm một phần không nhỏ trong núi nợ công 23.000 tỷ USD của Trung Quốc. Những khoản nợ này đang trở thành rủi ro tài chính lớn mà chính phủ nước này cần giải quyết.
Năm 2021, Hạc Cương, thành phố khai thác than đá ở vùng đông bắc hẻo lánh Trung Quốc, buộc phải tái cấu trúc tài chính khẩn cấp. Từ 18 tháng trước đó, thành phố này đã ngập trong "núi nợ" cao gấp đôi thu nhập tài chính. Sự chật vật của thành phố này là dấu hiệu đáng quan ngại cho Chính phủ nước này do hiện có nhiều đô thị lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và đối mặt nguy cơ vỡ nợ.
Người dân Hạc Cương đang cảm nhận rõ ràng về gánh nặng của việc thắt chặt tài chính. Theo Bloomberg, một số dân địa phương than phiền rằng họ đã phải trải qua một mùa đông vô cùng khắc nghiệt trong tình trạng thiếu khí đốt để sưởi ấm. Các giáo viên tại trường công lập lo mất việc, còn các công nhân vệ sinh đường phố thì lại bị chậm lương đến 2 tháng.
Nhân viên kinh doanh tại một văn phòng bất động sản tại Hạc Cương (Ảnh: Bloomberg).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Hạc Cương chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư ngày càng lo lắng khi vấn đề nợ của chính quyền địa phương có nguy cơ trở thành lực cản cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm tới.
Khả năng vỡ nợ ở các địa phương là tương đối thấp, do có sự bảo trợ vững chắc của Bắc Kinh. Nhưng mối lo ngại lớn hơn là chính quyền địa phương có thể buộc phải thắt chặt chi tiêu, hoặc cắt giảm ngân sách lẽ ra phải rót vào các dự án nhằm kích thích tăng trưởng để chuyển sang trả nợ.
"Vài năm nữa, nhiều thành phố Trung Quốc sẽ trở thành Hạc Cương thứ hai, thứ ba", ông Houze Song, chuyên gia tại tổ chức tư vấn MacroPolo chia sẻ với Bloomberg.
"Chính quyền Trung Quốc có thể duy trì sự ổn định trong thời gian ngắn bằng cách yêu cầu hệ thống ngân hàng tái tục các khoản vay của các chính quyền địa phương", ông nói thêm. Thế nhưng, nếu không gia hạn các khoản vay, gần 70% số địa phương sẽ không thể trả nợ đúng hạn.
Đây cũng là vấn đề tồn tại ở nhiều thành phố khác. Ở thành phố Vũ Hán và Quảng Châu, những đề xuất cắt giảm phúc lợi y tế của người dân và người về hưu đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên đường phố vào năm 2023. Tại Thương Khâu, dịch vụ xe buýt công cộng cũng suýt bị ngừng hoạt động vì không đủ chi phí. Không chỉ vậy, công chức ở những thành phố lớn như Thượng Hải cũng bị cắt lương.
"Chật vật" với những khoản nợ khổng lồ
Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thúc đẩy các chính quyền địa phương hạn chế rủi ro nợ công, đặc biệt là loại nợ "ẩn" xuất phát từ các công ty tài chính do địa phương thành lập.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ vay tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Các khoản vay thông qua loại nợ này có quy mô gần bằng tổng nợ chính phủ và chính quyền trung ương.
Nợ vay tài chính (LGFV) của Trung Quốc có quy mô gần bằng nợ chính phủ và chính quyền trung ương (Ảnh: IMF).
Ngoài nợ vay ngân hàng, các địa phương còn thường xuyên huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm đến 40% thị trường trái phiếu. Trong khi đó, số nợ trái phiếu chưa thanh toán của những khoản nợ này lên đến khoảng 36.000 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.
Không chỉ vậy, sau khi lĩnh vực bất động sản suy thoái, các địa phương có thể sẽ không còn nhiều khả năng hỗ trợ. Trước giai đoạn Covid-19, các địa phương có 20% thu nhập từ việc bán đất, năm ngoái, nguồn doanh thu quan trọng này đã giảm xuống chỉ còn hơn 15%.
Quy mô các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương Trung Quốc năm 2022 lên đến gần 50% GDP, tạo nên khủng hoảng nợ 8.300 tỷ USD.
Quy mô nợ vay tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).
Trước đây, Bắc Kinh đã tung ra những gói cứu trợ quy mô lớn. Từ năm 2014, hơn 60% khoản nợ chính quyền địa phương đã được công nhận là nợ phải trả của Chính phủ. Trong 4 năm tiếp đó, hơn 12.000 tỷ nhân dân tệ của khoản vay này đã được hoán đổi thành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, con số 57.000 tỷ nhân dân tệ ở hiện tại lại có quy mô lớn hơn nhiều, khiến Trung Quốc như "đi trên dây".
Năm 2020, Hạc Cương không thể trả khoản nợ gốc và lãi trị giá 5,57 tỷ nhân dân tệ vì thiếu tiền. Đến 2021, tổng nợ của thành phố tăng lên gần 30 tỷ nhân dân tệ, tương đương 230% thu nhập tài chính.
Thu nhập chủ yếu đến từ thuế của Hạc Cương đã tăng 9% vào năm 2022, một phần do giá than tăng cao. Thu từ các khoản phạt và bán tài sản nhà nước ước tăng 10%, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu. Họ đã nỗ lực giảm tỷ lệ này xuống còn 209% vào năm ngoái.
Một dãy cửa hàng trống tại Hạc Cương, Trung Quốc vào tháng 3 năm nay (Ảnh: Bloomberg).
Nhờ công cụ này, chính quyền địa phương có thể vay tiền để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nền kinh tế mà không cần ghi nợ vào bảng cân đối kế toán chính thức. Trong nhiều năm, các thành phố của nước này đã sử dụng phương tiện này để tài trợ cho việc xây dựng hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Công cụ tài chính này cũng giúp Trung Quốc xây dựng dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng cho người dân. Người dân nơi đây có thể sử dụng tàu cao tốc và đường bộ với chi phí thấp. Nhưng nền kinh tế nước này đã ở giai đoạn phát triển đủ để các cơ quan tài chính phải tìm cách chi trả cho toàn bộ các cơ sở hạ tầng đó. Bởi vậy, Bắc Kinh sẽ phải cực kỳ cẩn trọng trong những quyết định sắp tới.
Theo Phương Liên/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nui-no-ngam-de-nang-len-nen-kinh-te-trung-quoc-20230701162659254.htm