4
/
148174
Doanh nghiệp đang rất khó
doanh-nghiep-dang-rat-kho
news

Doanh nghiệp đang rất khó

Thứ 6, 02/06/2023 | 07:43:52
2,130 lượt xem

Khu vực kinh tế tư nhân đang suy yếu trong những năm qua và nhiều doanh nghiệp thực tế đã "chết lâm sàng". Đó là thực trạng được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng để đưa ra các giải pháp đúng, trúng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế.

Không nên tăng bất kỳ loại thuế, phí, thủ tục nào nữa

Nhận định trên được ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP.Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đưa ra bên lề kỳ họp QH khóa 15. Dẫn các số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây, ông Lộc nhận xét thực trạng kinh tế VN 5 tháng đầu năm 2023 là "rất khó khăn". Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.

Cần giải pháp đồng bộ vực dậy kinh tế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ cấp thiết từ nguồn vốn cho đến chính sách thuế... để vượt qua khó khăn. NGỌC DƯƠNG

Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95.000 đơn vị, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, còn số DN rút khỏi thị trường là 88.000 đơn vị, tăng đến 22,6%. "Các DN đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN, thực tế đã chết lâm sàng", ông Lộc nhấn mạnh.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lộc phân tích khó khăn lớn nhất của các DN là do nhu cầu cả quốc tế lẫn trong nước đều giảm sâu. Điều này khiến DN không bán được hàng, lượng tồn kho gia tăng, không sản xuất được, dòng vốn bị mắc kẹt, dẫn đến thiếu thanh khoản. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn. Thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu DN bị đóng băng, gây tác động dây chuyền đến hàng loạt ngành nghề khác. 

Tình trạng các DN ngành BĐS nợ xây dựng, xây dựng lại nợ DN cung cấp vật liệu xây dựng và cứ thế nợ vòng quanh, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái DN và nền kinh tế càng khó khăn hơn. Trong lĩnh vực BĐS, đã có các phản ánh từ các hiệp hội, DN rằng 70% các dự án đầu tư xây dựng đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng. "Thị trường BĐS bị tắc là ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế bởi nó có liên quan đến vài chục ngành nghề khác", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như một số bộ ngành trong việc thúc đẩy đầu tư công, thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và DN, nhưng ông Lộc cho rằng liều lượng của các chính sách kể trên còn chưa đáp ứng được yêu cầu, và tiến độ còn chậm trễ. Do đó ông Lộc đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại VN đang giảm nhanh (CPI trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm trước), cán cân thương mại đang thặng dư lớn (5 tháng đầu năm chúng ta xuất siêu 9,8 tỉ USD), còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do QH quy định. 

"Dư địa của các chính sách tài khóa - tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa của chúng ta còn lớn. Vì vậy đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho DN, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất, nên dừng lại...", ông Lộc nhấn mạnh.

Gia hạn chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết Viện đã có báo cáo công bố ngay trước thềm kỳ họp thứ 5, QH khóa 15. Thực tế cho thấy năm 2023 là năm suy giảm kinh tế, thậm chí có thể nói suy thoái do đối mặt những "cơn gió ngược" và nguy cơ này còn kéo dài tới năm 2024. Ông Việt nhận định trong quý 2, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, thậm chí sang quý 3. Năng lực cạnh tranh của DN và độ phục hồi nền kinh tế VN từ cuối 2022 đến quý 1/2023 còn bị suy giảm nghiêm trọng do lãi suất cho vay neo rất cao, bào mòn mọi nỗ lực phục hồi. Đồng thời, những bất cập trong điều hành, quản lý và thực thi chính sách, pháp luật dẫn đến niềm tin vào môi trường kinh doanh giảm sút.

"Trong thời gian qua, có thể thấy những nỗ lực của Chính phủ trong hỗ trợ DN phục hồi, giúp củng cố niềm tin cho DN. Tuy nhiên, DN hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn đọng, nợ xấu nguy cơ tăng, nhiều DN trong một số lĩnh vực phải ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dệt may, xây dựng, BĐS, bán lẻ hàng hóa... dẫn đến tình trạng người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Chính phủ đã nhận định tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số DN lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tình trạng đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút nghiêm trọng, ngoài những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, DN đang đối diện những yếu kém về môi trường thể chế, pháp luật, là rào cản lớn cho hoạt động bình thường của DN và người dân, bào mòn nỗ lực phục hồi của cả nước", TS Nguyễn Quốc Việt cho biết.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, ĐB QH TP.HCM, đánh giá khó khăn của DN từ đầu tháng 5 có chiều hướng giảm nhẹ, tuy vậy, số DN rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt DN trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, vật liệu xây dựng… Dù thu ngân sách trong 2 năm qua giảm, nhưng bội chi ngân sách cũng giảm, giúp nợ công giảm từ 43% GDP năm 2018 xuống hơn 38% GDP năm 2021. Như vậy, dư địa để thực hiện các gói an sinh xã hội và hỗ trợ DN trong thời gian tới. Đó là vấn đề cấp bách, trong ngắn hạn, nhưng rất cần thiết.

"Trước mắt, cần gia hạn các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết 43 của QH khóa 15 sẽ hết hạn vào cuối năm nay thêm 1 năm. Đồng thời, tăng liều lượng hỗ trợ DN lên, mở rộng nhóm hưởng về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN… Lạm phát nay đã được kiểm soát, nên giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường, hỗ trợ DN. Đặc biệt các ngân hàng thương mại nên "hy sinh một chút lợi nhuận" để đồng hành với DN trong lúc này. Nếu DN rút lui khỏi thị trường, phá sản nhiều thì cũng ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, thu hồi nợ của ngân hàng", ông Ngân nhấn mạnh.

Trong dài hạn, cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng; rà soát, đánh giá lại giữa nhiệm kỳ Nghị quyết 31 của QH về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và kiểm soát độ mở về thương mại của kinh tế VN bởi các quốc gia có độ mở lớn thường bị ảnh hưởng nhiều khi thế giới biến động.

Cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn

Ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị: Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, chúng ta cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế. Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án BĐS và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho DN. Đồng thời cũng cần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, có khả năng liên kết liên doanh với DN Việt.

Theo Nguyên Nga - Mai Phương/Thanh niên

https://thanhnien.vn/can-giai-phap-dong-bo-vuc-day-kinh-te-18523060200492228.htm

  • Từ khóa

Chỉ đạo hỏa tốc: Không có hóa đơn điện tử, cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa

Ngày 18-3, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn...
09:24 - 19/03/2024
31 lượt xem

Đường sắt chính thức mở bán vé tàu chặng Huế-Đà Nẵng

Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ hôm nay 19/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức mở bán vé...
09:34 - 19/03/2024
33 lượt xem

Bỏ thẻ rất lâu, nhiều người tá hỏa vì ngân hàng ‘âm thầm’ thu phí, ghi nợ

Nhiều người ngừng sử dụng thẻ ngân hàng đến hơn 10 năm, nhưng bất ngờ phát hiện ra mình mắc nợ tiền triệu do cộng dồn loại phí duy trì, phí thường...
08:36 - 19/03/2024
277 lượt xem

Việt Nam đang có 752 người siêu giàu

Việt Nam đang có 752 người siêu giàu năm 2023, tăng 2,4%. Để được xếp vào nhóm người siêu giàu, cá nhân đó phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD...
20:18 - 18/03/2024
344 lượt xem

Bộ trưởng Tài chính: Thuế thu nhập cá nhân bất cập, 2025 bắt đầu sửa

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện không phù hợp, song cho biết, tới năm 2025 việc sửa luật...
16:14 - 18/03/2024
418 lượt xem