Cùng với việc tập trung tháo gỡ cho xuất khẩu nông sản ở phía Bắc không để bị ùn ứ, Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp lâu dài để phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Xe container hàng hóa chờ xuất khẩu xếp hàng trên quốc lộ 1A hướng về cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Ảnh minh họa: HÀ QUÂN
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 492 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Công điện đưa ra trong bối cảnh lượng xe chở hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, thời gian làm thủ tục kéo dài, năng lực thông quan hạn chế.
Trong khi đó, một số loại trái cây đang vào vụ thu hoạch nên dự báo phương tiện sẽ tiếp tục dồn về cửa khẩu, nguy cơ xảy ra ùn ứ.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát các quy định về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chủ động về ngoại giao, phối hợp nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian và hiệu suất thông quan.
Mục tiêu là không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Các địa phương biên giới chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình lưu thông, có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới. Xử lý các điểm ùn ứ nông sản xuất khẩu, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục. Thông tin kịp thời về tình hình lưu thông, xuất khẩu để có điều chỉnh phù hợp, hạn chế ùn ứ. Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình để trục lợi.
Thủ tướng cũng giao các bộ ngành và địa phương, các cơ sở kinh doanh phối hợp để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ các loại nông sản đang thu hoạch tại thị trường trong nước. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Về giải pháp lâu dài, người đứng đầu Chính phủ giao các bộ ngành liên quan triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu.
Trong đó, cần tập trung mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán quản lý chất lượng để trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc. Tiếp tục trao đổi phía bạn để giảm tỉ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Hướng dẫn các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Xây dựng và triển khai chỉ dẫn địa lý về nông, lâm, thủy sản. Đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc. Hoàn thiện hạ tầng logistics, hệ thống hạ tầng thương mại ở biên giới phía Bắc, đáp ứng lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Theo Ngọc An/Tuổi trẻ