Tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV, Vietcombank, VietinBank là hơn 240.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, BIDV, Vietcombank, VietinBank đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền gửi của kho bạc Nhà nước. Đây đều là các ngân hàng thuộc big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước).
Kho bạc Nhà nước gửi tiền nhiều nhất ở BIDV với 106.284 tỷ đồng tính đến hết quý I. Theo sau là VietinBank với 99.043 tỷ đồng và Vietcombank với 36.043 tỷ đồng. Tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các đơn vị này lên tới hơn 240.000 tỷ đồng. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý đầu năm, song thời điểm cuối năm ngoái, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đơn vị này là hơn 5.355 tỷ đồng.
Các bước Kho bạc Nhà nước "chọn mặt gửi tiền"
Việc "chọn mặt gửi tiền" của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng không đơn giản. Đầu tiên là đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về tính an toàn, hoạt động hiệu quả. Sau đó, Bộ Tài chính - cơ quan chủ quản - tiếp tục đề ra tiêu chí để lọc.
Theo quy định, các ngân hàng phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước. Ngân hàng được chọn phải có tên trong danh sách nhà băng có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước cung cấp. Từ danh sách này, Kho bạc Nhà nước sẽ đánh giá một lần nữa, dựa trên tiêu chí tại Thông tư 64/2019 về chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước do Bộ Tài chính quy định. Các tiêu chí gồm quy mô tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh. Các tiêu chí này được tính theo trọng số.
Tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV, Vietcombank, VietinBank lên tới hơn 240.000 tỷ đồng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Qua các vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu, ngân hàng nào trả lãi cao sẽ được ưu tiên. Tiêu chí tổng tài sản và vốn chủ sở hữu chiếm 80% trọng số đánh giá. Do đó, các nhà băng có vốn Nhà nước có ưu thế vượt trội hơn.
Thực tế, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại chỉ chiếm một phần, còn lại là gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối năm ngoái, Kho bạc Nhà nước có đến hơn 900.000 tỷ đồng ngân sách tồn quỹ nằm trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, 700.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước và khoảng 270.000 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng big 4, kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất khoảng 6%/năm.
Nắm giữ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là lợi thế?
Việc nắm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước thực tế rất có lợi với các nhà băng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước mới đây đã sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).
Theo đó, dù giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%, ngân hàng lại được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ LDR.
Như vậy, các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.
Quý đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của BIDV, Vietcombank, VietinBank đạt trên 24.120 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD quy đổi. Trong khi một số ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, LPBank, SeABank, BVBank… cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại thì nhóm ngân hàng quốc doanh lại có kết quả trái ngược.
So với cách đây 2 năm, lợi nhuận quý I của BIDV, Vietcombank, VietinBank tăng hơn gấp đôi.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/3-ngan-hang-nao-dang-giu-hon-240000-ty-dong-tien-gui-cua-kho-bac-nha-nuoc-20230527190911263.htm