Không ít gia đình phải thắt lưng buộc bụng khiến thị trường xuất hiện tín hiệu sức mua giảm, tiểu thương ế ẩm, doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ lao đao. Chuyên gia cho rằng việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là công cụ tốt để hỗ trợ cho nền kinh tế lúc này khi có thể kích cầu, đặc biệt là cầu tiêu dùng nội địa.
"Ngồi chơi" từ sáng đến chiều, nhiều tiểu thương bỏ sạp
Hơn 6h sáng một ngày cuối tuần, khu vực kinh doanh rau củ quả, thịt cá, trái cây tại chợ Nhân Chính (Hà Nội) vẫn thưa thớt khách.
Trước đây, chợ khá đông đúc, họp từ 5h đến 22h, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Giờ giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chợ vắng khách, tiểu thương ngồi chơi từ sáng đến chiều.
Các tiểu thương ngồi lướt điện thoại, hát karaoke, xem phim... (Ảnh: Phương Liên).
Chỉ vào những mẹt hàng la liệt, chị Sinh, bán rau củ ở chợ này, kể rằng hôm nay chị đã cố ý nhập ít hàng vì còn tồn nhiều từ hôm trước, thế mà bán vẫn không được là bao. "Bây giờ người ta mua ít lắm, mớ rau bé tí cũng bắt phải xẻ đôi ra mới lấy", chị Sinh than thở.
Sức mua giảm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của chị. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày chị Sinh lãi 300.000 đồng đến 400.000 đồng từ việc bán hàng, thì nay có những hôm kiếm chưa đến 200.000 đồng.
Với những mặt hàng không quá thiết yếu, tình trạng còn có phần bi đát hơn.
Chị Bền, bán quần áo, cho biết hiện sức mua giảm 50% so với trước dịch. "Giờ ai mua gì cũng phải chi li, dè sẻn từng đồng, áo quần thời trang tính ra cũng chẳng phải là hàng thiết yếu nên bán chậm lắm", chị Bền thở dài. Dù hàng ngày chợ vẫn có khách nhưng ít người mạnh tay mua sắm như trước mà cân nhắc kỹ trước khi mua và chỉ mua số lượng rất ít. Chị kể nếu mỗi ngày trước đây kiếm được 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 6 đồng và với tình cảnh ế ẩm hiện tại, tiền bán không đủ lãi để trang trải chi phí mặt bằng.
Các sạp kinh doanh nằm ngay cửa chính cũng trong cảnh đóng cửa (Ảnh: Phương Liên).
Theo chị, hầu hết tiểu thương trong chợ hiện nay đều gặp phải tình trạng buôn bán ế ẩm. Nhiều chủ sạp giờ chỉ mở bán buổi sáng còn buổi chiều nghỉ vì ế khách. Tuy nhiên, phần lớn đã buôn bán tại chợ nhiều năm nay nên không thể từ bỏ nghề nghiệp. Dù khó khăn, thu nhập thấp nhưng vẫn ổn định được cuộc sống gia đình.
Không còn cảnh bán hàng nhộn nhịp như những năm trước dịch, thay vào đó, tiểu thương ngồi lướt điện thoại, hát karaoke, xem phim... Các sạp kinh doanh nằm ngay cửa chính cũng trong cảnh phủ bụi, tối đèn. Nhiều biển "cho thuê sạp", "chuyển nhượng sạp" được treo lên nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
Chị Hoa, công nhân làm việc tại một công trình xây dựng gần đó tâm sự lương hàng tháng chị chỉ có 6 triệu đồng, công việc cũng ít nên không tăng ca. Hàng sáng, chị hay tranh thủ dậy sớm hơn để ghé vào chợ mua ít thức ăn đơn giản. Bình thường mỗi lần chị đi chợ chỉ mất khoảng 200.000 đồng, nhưng giờ con số này đã lên tới hơn 400.000 đồng, vậy nên mua sắm gì chị cũng phải rất đắn đo, suy nghĩ.
Mua sắm có tính toán hơn
Nhiều mặt hàng tươi sống, hạn sử dụng ngắn ngày đồng loạt treo biển giảm sâu (Ảnh: Phương Liên).
Để kích cầu, nhiều siêu thị và trung tâm thương mại liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhằm tăng doanh số bán hàng cũng như kích cầu mua sắm.
Tuy nhiên, ghi nhận tại một hệ thống siêu thị lớn ngày cuối tuần cho thấy vẫn chỉ có lác đác vài người dân đến mua hàng. Tại siêu thị, nhiều mặt hàng tươi sống, hạn sử dụng ngắn ngày cũng đồng loạt treo biển giảm sâu.
Vẫn đi siêu thị hàng ngày để mua sắm chi tiêu ăn uống sinh hoạt của cả gia đình nhưng giờ đây không ít người lên kế hoạch chi tiêu khoa học hơn trước và cắt giảm tối đa những khoản chi tiêu không cần thiết.
Bà Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường hay ghé vào một siêu thị gần nhà để mua sắm cho gia đình. Bên trong xe đẩy của bà Phương chủ yếu là những loại thực phẩm thiết yếu như thịt gà, thịt lợn, mì gói, dầu ăn, trứng, sữa chua và trái cây. Trước đây, ngoài thức ăn, bà thường mua thêm quần áo, giày dép cho gia đình hay mua đồ chơi, sách truyện cho các cháu. Nhưng giờ đây thu nhập giảm khiến bà Phương phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định mua một món hàng nào đó.
Sống ở Hà Nội cũng đã gần 10 năm nay, chị Vân (Linh Đàm, Hà Nội) cũng đã quen với những chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố lớn. Trong thời điểm lạm phát như hiện nay chị và những hộ dân trong khu chung cư thường nhờ họ hàng dưới quê gửi thực phẩm lên để tiết kiệm phần nào chi phí và quan trọng hơn là có được sự an tâm về chất lượng thực phẩm.
Mỗi lần đọc báo hay xem tivi, chị rất lo lắng về chất lượng thực phẩm. Chị sợ người bán hàng trà trộn những mặt hàng kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính. "Dù hiện tại đã có nhiều hệ thống siêu thị chất lượng nhưng giá cả vẫn quá cao so với thu nhập của gia đình tôi", chị Vân chia sẻ.
Tại một hệ thống siêu thị lớn ngày cuối tuần, vẫn chỉ có lác đác vài người dân mua sắm (Ảnh: Phương Liên).
Ra trường được 2 năm, Gia Linh, nhân viên văn phòng (Cầu Giấy, Hà Nội) kể trước đây cô chỉ nghe về những khái niệm như lạm phát, "bão giá" trên báo đài. Nhưng giờ đây, khi phải tự đi thuê nhà và trang trải các chi phí sinh hoạt, cô mới thực sự cảm nhận được gánh nặng.
Khó khăn hơn kể từ đầu năm nay chủ nhà thông báo điều chỉnh giá cho thuê, căn trọ của Gia Linh tăng từ 3,5 triệu lên 4,2 triệu đồng một tháng. Với mức lương hơn 10 triệu đồng như hiện nay, tiền nhà đã chiếm gần một nửa nên cô phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác như uống cà phê, trà sữa cùng bạn bè, hạn chế ăn ngoài mà thay vào đó sẽ tự đi chợ nấu ăn.
Cô chia sẻ dạo gần đây những thực phẩm như thịt, cá, rau đều tăng giá, điều này làm cô phải cân đối lại chi tiêu hơn. Thay vì đi siêu thị như trước đây, cô chọn dậy sớm để đi chợ mua đồ vì mua ngoài chợ sẽ rẻ hơn. Còn với những khoản mua sắm như quần áo, mỹ phẩm, làm tóc cũng được Gia Linh cắt giảm đáng kể. Với những món cần phải mua, cô cũng chịu khó "săn sale" hơn, dù chỉ giảm được ít nhưng khi cộng cả tháng lại cũng giúp giảm chi phí sinh hoạt một cách đáng kể.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu gần nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chi tiêu bình quân đầu người mỗi tháng năm 2022 là gần 2,8 triệu đồng, giảm 3,3% so với 2020. Dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.
Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng, giảm 13,6% so với năm 2020. Còn ở nông thôn ghi nhận mức tăng nhẹ với mức chi khoảng 2,5 triệu đồng. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp chủ yếu do người dân sống ở thành thị giảm chi tiêu.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng gia tăng trên toàn cầu, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đang cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu và sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ.
Theo khảo sát về thói quen tiêu dùng do PwC công bố, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu. Nỗi lo lắng lớn nhất của họ hiện nay không phải là dịch Covid-19, mà là lạm phát gia tăng, ô nhiễm môi trường, kinh tế tăng trưởng chậm. Người dân sẽ cắt giảm chi tiêu cho việc tân trang nhà cửa, mua sắm xe cộ, bảo hiểm, đồ điện tử, đầu tư chứng khoán.
Có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm. Tuy nhiên, có đến 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, du lịch và đồ điện tử.
Thông thường, các khoản chi tiêu cho giáo dục, sức khỏe sẽ chiếm vị trí đầu bảng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 qua đi khiến nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe giảm mạnh. Các chuyên gia dự báo năm 2023, chi tiêu cho giáo dục vẫn tăng 30%, tiếp đến là chi tiêu cho ăn uống, chăm sóc sức khỏe tăng, tiện ích gia đình tăng 15%, trong khi các thiết bị điện tử tiếp tục gặp khó khăn.
Đáng chú ý, chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu hiện đang chiếm khoảng 60% tổng chi tiêu của nhiều gia đình và vấn đề tiết kiệm cũng sẽ được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hơn.
Hàng hóa xa xỉ, du lịch và thiết bị điện tử sẽ là những mặt hàng người tiêu dùng lựa chọn cắt giảm đầu tiên (Ảnh: PwC).
Ngoài ra, người dân ngày càng tăng cường vay ngân hàng và các công ty tài chính và mục đích vay cũng thay đổi. Nếu như trước dịch Covid-19, họ vay chủ yếu để kinh doanh, rồi mới đến cho tiêu dùng cá nhân, chi tiêu thiết yếu. Nhưng bước sang năm 2023, mục đích vay chủ yếu cho nhu cầu thiết yếu chiếm 38% và phục vụ nhu cầu cá nhân chiếm 42% rồi mới đến mục tiêu kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Trước diễn biến khó khăn từ kinh tế toàn cầu cũng như những vấn đề nội tại của thị trường trong nước, người dân đang ngày càng mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Theo dữ liệu từ Payoo, một nền tảng thanh toán trực tuyến lớn, quý I/2023, đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều giảm 30-50% doanh thu so với quý trước. Trong khi mức thanh toán qua nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi sụt giảm 5-10%, và khoảng 10% đối với các trung tâm thương mại.
"Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Họ đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi", ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, nhận định.
Giảm thuế VAT, nhiều người được hưởng lợi
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết tình hình tiêu dùng gặp khó khăn là điều dễ hiểu. Người dân giảm thu nhập, nhiều người mất việc làm nên họ phải thay đổi thói quen tiêu dùng của mình và tiết kiệm hơn. Vì vậy, những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống thì vẫn có thể bán được, nhưng những mặt hàng xa xỉ, chi tiêu không thiết yếu như điện tử, y tế… sẽ gặp khó khăn hơn.
Qua đó, chuyên gia cho rằng các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh nên chuyển hướng và cơ cấu lại, đồng thời đưa ra các hàng hóa với giá cả phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân.
Ông cũng nhìn nhận việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là công cụ tốt để hỗ trợ cho nền kinh tế lúc này. Loại thuế trên nhằm kích cầu, đặc biệt là cầu tiêu dùng nội địa. Bởi khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Về phía người tiêu dùng, việc giảm thuế VAT sẽ khiến giá cả các mặt hàng sẽ giảm xuống, phù hợp hơn với túi tiền người dân của người dân. Từ đó họ sẽ tiết kiệm được phần nào khi giá cả hàng hóa ổn định, từ đó kích thích sức mua.
Còn về phía doanh nghiệp, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn thì họ sẽ kiểm soát được giá thành sản xuất và bán hàng thuận lợi hơn. Nhờ chính sách này, các doanh nghiệp cũng sẽ bán được nhiều hàng hơn, giải phóng được hàng tồn, tạo vòng quay sản xuất mới và giúp người lao động có thêm việc làm.
"Đây là một chính sách rất thích hợp, cần duy trì trong bối cảnh kinh tế hiện nay và thời gian tới", ông nhấn mạnh.
Ông Lê Đăng Doanh cũng nhận định tình hình kinh tế năm nay còn nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới và các đối tác lớn của chúng ta đều chưa phục hồi. Chúng ta có thể tận dụng được cơ hội khi Trung Quốc mở cửa vì nhu cầu đối với thị trường này cũng rất lớn. Bên cạnh đó, ta cũng cần xem xét để chuyển hướng phục vụ các cái thị trường phát triển và tìm thêm các thị trường mới. "Chúng ta phải nỗ lực và dấn thân vào những thị trường có sức mua để có thể tranh thủ bán được hàng", ông nói thêm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tin-hieu-tu-viec-chu-sap-hang-e-khach-ngoi-hat-karaoke-giet-thoi-gian-20230510142925721.htm