Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng lợi dụng giá điện tăng nhằm đẩy giá dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng theo
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4-5, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tăng tương đương 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Bộ Công Thương cũng đã công bố quyết định về giá bán điện, quy định mức giá đối với từng nhóm khách hàng sử dụng như sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt.
Lo hàng hóa, dịch vụ "té nước theo mưa"
Mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành được đánh giá tác động không lớn đến người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng về tình trạng "té nước theo mưa".
"Với mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể. Song, điều người dân lo ngại là có thể nhiều hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu của người dân vọt lên" - chị Nguyễn Quỳnh Hương (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ.
Cùng chung lo lắng, anh Nguyễn Tiến Đạt - công nhân tại khu công nghiệp vừa và nhỏ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - cho biết thời điểm giá xăng tăng mạnh trong năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo khiến bữa cơm của gia đình cũng tăng chi phí. Theo anh Đạt, với thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng công nhân, việc giá các mặt hàng như xăng, điện tăng đã là một nỗi lo lớn. Không chỉ lo tăng hóa đơn tiền điện, chi phí đổ xăng mà đáng ngại nhất là tình trạng "ăn theo" của nhiều dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu đang bình ổn. Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Ảnh: MINH CHIẾN
Một tiểu thương ở chợ Nhổn, TP Hà Nội cho biết sau 4 ngày tăng giá điện, giá cả hàng hóa tại chợ - từ thực phẩm, rau củ đến một số sản phẩm thiết yếu khác - vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu tăng giá. Tuy nhiên, tiểu thương này cho rằng về lâu dài, giá cả có thể nhích lên do chi phí đội lên.
Tương tự, tại thị trường TP HCM, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn ổn định so với thời điểm trước khi giá điện tăng. Thậm chí, nhiều siêu thị, cửa hàng còn áp dụng chương trình giảm giá, khuyến mãi đến 40%-50% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Nhiều DN cho hay sức mua thị trường đang rớt xuống thấp nên mọi quyết định thay đổi về giá lúc này càng kéo giảm sức mua hơn nữa.
"Trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, thị trường TP HCM tràn ngập giảm giá, khuyến mãi. Hầu hết DN tăng chi phí cho khuyến mãi, giảm giá lên đến 20%-30% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tổng lượng khách, giá trị giỏ hàng lẫn doanh số đều thấp hơn kỳ vọng. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu và có đến 31,8% khách hàng chọn mua hàng khuyến mãi trong 5 ngày nghỉ lễ" - giám đốc marketing một DN bán lẻ giải thích.
Doanh nghiệp nỗ lực cầm cự
Ông Lương Ngọc Dũng, Giám đốc thương mại Công ty CP Giải pháp thương mại ABA - chuyên về chuỗi cung ứng lạnh, nhận xét giá điện tăng ảnh hưởng chính đến phần kho lạnh nhưng không lớn.
"Đặc trưng của kho lạnh là ảnh hưởng thời tiết, như mùa nóng hiện nay thì chi phí điện thường tăng cao nhưng được giới trong ngành xếp vào yếu tố mùa vụ. Gần đây, kho lạnh mở ra nhiều nên tình hình chung là giảm giá để hút khách, giành thị phần. Giá điện tăng có thể là yếu tố để tạm ngừng cuộc đua giảm giá chứ không thể tăng giá thuê kho giữa lúc mãi lực đang yếu như hiện nay. Do đó, sẽ khó có khả năng hàng hóa tăng giá do chuỗi cung ứng lạnh tăng giá theo giá điện" - ông Dũng nhận định.
Cũng quả quyết khó có thể tăng giá bán hàng hóa theo giá điện song ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai - Bình Dương, cho rằng việc tăng giá điện thời điểm này làm tăng gánh nặng cho DN. "DN đang rất khó khăn. Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh máy phát điện công nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm, sức mua tại thị trường nội địa lẫn các thị trường xuất khẩu chính là Lào, Campuchia, Myanmar đều rất kém. Do đơn hàng giảm sút nên từ tháng 5-2023, công ty phải cho công nhân nghỉ làm 3 ngày cuối tuần. Khi phải cõng thêm giá điện tăng 3%, DN buộc phải chấp nhận lãi ít đi hoặc lỗ nhiều hơn" - ông Trọng phản ánh.
Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), nhìn nhận giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của DN. "Nhưng với sức mua yếu như hiện nay thì DN sẽ không tăng giá tương ứng mà phải gồng mình chịu đựng. Như vậy, hiệu quả kinh doanh, biên lợi nhuận của DN sẽ bị thu hẹp" - ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành Co.opmart (thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op), cho biết trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, DN bán lẻ một mặt tích cực thực hiện bình ổn thị trường, mặt khác tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp hỗ trợ khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Trong đó, trọng tâm là các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Song song đó, DN chủ động chuẩn bị để kịp thời triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8% ngay khi Quốc hội thông qua.
Kịp thời kiểm soát, giám sát thị trường
Nhìn nhận việc tăng giá điện "tác động nhỏ" đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) song ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, bày tỏ quan ngại về tình trạng "té nước theo mưa" khi điều chỉnh giá điện. Chuyên gia này cho rằng việc kìm giữ mặt bằng giá chung là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cũng đặt vấn đề giá cả hàng hóa có thể "leo thang" theo giá điện nếu cơ quan quản lý không có các biện pháp kiểm soát, giám sát kịp thời, hiệu quả. Theo TS Ngô Trí Long, cần kiểm soát, bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ.
"Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường, cần tăng cường kiểm tra, giám sát về giá hàng hóa. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng tới của năm 2023 cần linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường" - ông Long nêu quan điểm.
Nhìn nhận tình trạng "té nước theo mưa" sẽ khó tránh khỏi, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan quản lý. Theo ông, giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng giá điện để tăng giá hàng hóa, dịch vụ là rất cần thiết để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sản xuất, kết nối sản xuất với tiêu thụ hàng hóa để tạo nguồn cung dồi dào, giá cả phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Một số chuyên gia kinh tế cũng lưu ý đến việc thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký giá, kê khai giá đối với những DN, mặt hàng thuộc diện phải thực hiện yêu cầu này.
Tính toán mức tăng 3% thì giá điện sẽ làm tăng CPI lên 0,1 điểm phần trăm, đại diện Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá đây là mức tác động thấp. Tuy nhiên, trên bình diện chung, việc điều chỉnh giá điện được dự báo có thể tác động gián tiếp, kéo theo giá hàng hóa khác tăng.
Do đó, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng các bộ, ngành liên quan cần theo dõi sát diễn biến tình hình để có các giải pháp điều hành giá phù hợp. Bên cạnh đó, phải chủ động nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Ngành hóa chất, xi măng, thép ảnh hưởng lớn
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy sẽ bị ảnh hưởng lớn khi điện tăng giá 3%.
Cụ thể, với ngành thép và hóa chất, chi phí điện chiếm 9%-10% giá vốn nên giá điện tăng 3% sẽ làm đội giá thành khoảng 0,3%. Ngành xi măng chi phí điện chiếm 14%-15% trên giá thành hàng hóa nên bị đội giá khoảng 0,4% (trừ những DN lớn có lò quay xi măng thì đội giá khoảng 0,3%). Với ngành sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỉ trọng 4%-5% trong chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN nên bị đội giá thành khoảng 0,2%.
"Giả định chi phí điện tăng thêm, DN không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng (không tăng giá - PV) sẽ làm giá vốn hàng bán của DN sản xuất tăng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận và ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN" - báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/no-luc-kim-giu-gia-ca-hang-hoa-dich-vu-20230507221321457.htm