Nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, gần đây nhất là báo cáo về thu nhập của người Mỹ. Điều này là tin xấu với USD nhưng lại khiến vàng trở nên hấp dẫn.
1 tuần tăng 450.000 đồng
Kết thúc tuần vừa qua, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn giao dịch tại 66,45-67,25 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 450.000 đồng so với giá mở cửa tuần. Mức chênh lệch 2 chiều mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng thế giới có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm (6/1), đóng cửa ở mức 1.865,7 USD/ounce. Phần lớn vàng trong xu hướng tăng do đồng USD chịu áp lực giảm mạnh. Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng 43 USD so với giá mở cửa tuần, tương ứng tăng 2,1% - cũng là vùng giá cao nhất kể từ đầu tháng 6/2022 và là tuần thứ 3 liên tiếp vàng thế giới tăng giá.
Sáng nay (9/1), mỗi ounce vàng thế giới là 1.868 USD/ounce, tăng 3 USD so với giá đóng cửa tuần.
Quy đổi theo tỷ giá USD không tính thuế, phí, vàng trong nước đang đắt hơn quốc tế 14,05 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới đang tiến sát 1.900 USD/ounce (Ảnh: Tố Linh).
Giám đốc điều hành Marc Chandler của Bannockburn Global Forex cho rằng, mục tiêu tiếp theo mà vàng cần vượt qua là khoảng 1.896,5 USD/ounce. Khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 2 và điều này sẽ ít nhiều tác động đến vàng. Tuy nhiên, nếu vàng giữ được trong vùng 1.825-1.830 USD/ounce thì xu hướng tăng vẫn còn.
Theo Công cụ FedWatch của CME, sau khi các dữ liệu việc làm được công bố, các thị trường bắt đầu định giá 74,2% khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 2.
Các nhà kinh tế đang dự báo lạm phát hàng năm sẽ giảm xuống 6,5% trong tháng 12 so với mức 7,1% của tháng 11.
Nhà phân tích cao cấp Jim Wyckoff tại Kitco Metals cho biết, giá vàng có thể tiếp tục đi ngang hoặc cao hơn trong quý đầu tiên năm 2023, sau khi nhận thấy sự quan tâm mới từ các quỹ phòng hộ.
USD tiếp tục trong xu hướng giảm
Ngược chiều với vàng, USD đang giảm mạnh. USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - sáng nay ở mức 103,6 điểm, giảm thêm 0,04% so với hôm qua.
Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất của Fed giúp thúc đẩy giá USD. Tháng 9 năm ngoái, đồng bạc xanh đã vọt lên mức cao nhất 20 năm. Tuy nhiên, năm nay, giới quan sát tin rằng đà tăng của USD khó có thể kéo dài. CrossBorderCapital dự báo chỉ số USD sẽ lao dốc 15-20% từ giờ đến cuối năm.
Giới quan sát tin rằng đà tăng của USD khó có thể kéo dài (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngân hàng Nhà nước kết thúc tuần niêm yết tỷ giá trung tâm tại mức 23.605 đồng/USD, tăng 2 đồng so với trước đó sau 4 ngày liên tiếp hạ giá. Với biên độ 5% như hiện tại, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 24.785 đồng/USD và giá sàn là 22.424 đồng/USD.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng lớn tiếp tục giảm khoảng 10-50 đồng mỗi chiều giao dịch trong cuối cùng của tuần, phổ biến ở 23.280-23.630 đồng/USD (mua - bán). Các ngân hàng cổ phần niêm yết giá USD ở 23.080-23.270 đồng/USD (mua - bán). Năm ngoái, có thời điểm các nhà băng từng niêm yết giá bán USD sát 25.000 đồng/USD, sau đó giảm dần trong 3 tháng cuối năm.
Thị trường ngoại tệ tự do hiện giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.630-23.700 đồng/USD, giảm 50 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán so với hôm qua.
Theo Thảo Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vang-duoc-du-bao-tang-usd-tiep-tuc-giam-20230109024111854.htm