Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm trong nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào, mặc dù chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao.
Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn - Ảnh minh họa
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong nửa cuối tháng 11/2022, tại khu vực phía bắc, giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 52.000–56.000 đồng/kg, giảm 2.000–3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Tại khu vực Trung-Tây Nguyên, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 52.000– 56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022.
Tại khu vực phía nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Thời gian qua, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí có những ngày giảm xuống còn 50.000 đồng/kg.
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.
Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022).
Trong năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.
Đối với chi phí đầu vào, giá hàng hóa có khả năng giảm trong năm 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột giữa Nga và Ukraine đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung.
Ngoài ra, ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi kể từ quý II/2023, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 544.970 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng cập nhật thêm về tình hình giá lợn tại Trung Quốc báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra, trong tháng 11/2022, giá lợn hơi và thịt lợn tại Trung Quốc có xu hướng giảm trở lại trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn đứng ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm do người dân găm hàng và lượng tồn kho thấp.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), để duy trì nguồn cung và ổn định giá, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành 7 lần "mở kho" dự trữ thịt lợn để cung cấp cho thị trường, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương tăng cường mở kho dự trữ thịt lợn của địa phương. Trong tương lai, nguồn cung thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trên thị trường và giá thịt lợn dự kiến sẽ tương đối ổn định.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, Trung Quốc nhập khẩu 628.000 tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,84 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 4,7% về trị giá so với tháng 9/2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 6,03 triệu tấn thịt, trị giá 25,99 tỷ USD, giảm 25% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 1,38 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,94 tỷ USD.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/gia-lon-hoi-co-xu-huong-giam-102221206065918593.htm