Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng tạm thời, doanh nghiệp, tổ chức phát hành trầy trật xoay xở. Lúc này, rất cần những giải pháp "phá băng" kịp thời để lấy lại niềm tin thị trường.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi lên đến 13%/năm để được huy động tiền từ trái phiếu - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đã có nghiên cứu ước tính tổng nguồn vốn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đã huy động (vay nợ) qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến nay lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn trong những tháng cuối năm nay khoảng 65.700 tỉ đồng, áp lực trả nợ trong giai đoạn 2023 - 2025 rất lớn.
Trái phiếu "đóng băng" do đâu?
Hơn hai tháng nay, anh Phạm Minh Hoàng (Hà Nội) chờ đến thời điểm đáo hạn lô TPDN đã mua của Tập đoàn H. để rút tiền về, nhưng tới hạn anh Hoàng lại nhận được thông báo từ tập đoàn này đề nghị các nhà đầu tư lựa chọn một trong hai phương án là gia hạn TPDN thêm một năm nữa hoặc sử dụng số tiền đã mua trái phiếu, lãi vay "đổi" lấy sản phẩm căn hộ tại dự án chung cư cao cấp ở khu đô thị Tây Nam Linh Đàm với mức giá bán căn hộ giảm từ 30 - 40%.
"Khoản tiền 2,5 tỉ đồng mua trái phiếu của Tập đoàn H. tôi để dành cho con đi du học vào tháng 2 năm sau. Tôi đã kiên trì nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp để được đáo hạn đúng theo hợp đồng nhưng nay họ khó khăn quá nên vẫn chưa mua lại trái phiếu", anh Hoàng nói.
Chuyện các trái chủ bỏ nhiều tỉ đồng mua TPDN nhưng không thể bán lại cho tổ chức phát hành, doanh nghiệp phân phối hiện nay khá phổ biến.
Thị trường TPDN đóng băng đang đẩy cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ vào thế khó. Doanh nghiệp tốt đến mấy cũng không dễ phát hành TPDN để huy động vốn, trong khi nhà đầu tư trót bỏ tiền mua trái phiếu lại muốn rút tiền về ngay. Doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài yếu tố tâm lý thị trường thì những thay đổi trong chính sách phát hành TPDN riêng lẻ thời gian qua đã khiến giá trị phát hành TPDN giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ông Châu cho rằng nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ quy định về điều kiện phát hành và điều kiện với nhà đầu tư khá lỏng lẻo.
Vì vậy, thị trường TPDN riêng lẻ tăng trưởng nóng, giá trị phát hành tăng rất nhanh, đến khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trên thị trường, tiến hành xử lý thì lại có ngộ nhận TPDN là tội đồ. Điều này không đúng vì TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn bền vững của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ban hành nghị định 65/2022 ngày 16-9-2022 lại phanh quá gấp theo hướng siết cả đầu ra, đầu vào với TPDN.
Việc này là cần thiết vì cần đánh giá, dự án nào không đủ điều kiện thì không được phát hành TPDN để huy động vốn. Nhưng lại siết luôn cả đầu ra của TPDN khiến thị trường "đóng băng" như thời gian qua.
Cụ thể, ông Châu cho rằng nghị định 65 quy định nhà đầu tư trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phải có giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đạt 2 tỉ đồng trong sáu tháng liên tiếp; mệnh giá TPDN nhỏ nhất cũng được nâng lên mức 100 triệu đồng/trái phiếu (trước chỉ có 100.000 đồng/trái phiếu), như vậy là hạn chế người mua. Để khơi thông vốn trên thị trường cần sớm sửa đổi quy định này.
(*): Khối lượng TPDN đến hạn thanh toán nợ gốc tiếp tục tăng Nguồn: số liệu BTC báo cáo Chính phủ vào tháng 7-2022 - Dữ liệu: Bảo Ngọc - Đồ họa: N.KH.
Lấy lại niềm tin thị trường
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính - nhận định dù nợ TPDN lớn nhưng không phải tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều đang xấu.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu có kế hoạch kinh doanh tốt, có tài sản bảo đảm lớn, vấn đề của họ chỉ là khó khăn về dòng tiền hiện nay.
Tình trạng "đóng băng" thị trường trái phiếu hiện nay phần nhiều do tâm lý thị trường, các nhà đầu tư đang mất niềm tin.
Điều này buộc nhiều doanh nghiệp đang phải chấp nhận bán tài sản với giá rẻ hơn để có được dòng tiền hoặc đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản, đây cũng là một giải pháp lúc này nhưng để thực hiện được cần sự chia sẻ của cả hai phía, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng tình trạng mất niềm tin trên thị trường TPDN hiện nay chủ yếu liên quan tới một số vụ án bị khởi tố, điều tra.
Quyền lợi của cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp liên quan tới các vụ án hiện nay chưa được xác định rõ ai sẽ bảo đảm quyền lợi cho họ nên thị trường mất niềm tin, nhiều trái chủ đòi thanh toán TPDN đến hạn, sắp đáo hạn, thậm chí chưa đến hạn họ cũng đòi thanh toán. Đây là vấn đề phải xử lý.
Vì thế, cần xác định rõ trách nhiệm của các ngân hàng, công ty chứng khoán đứng ra phân phối lại TPDN riêng lẻ. Cần tránh tình trạng trái chủ đi đòi nợ người bán TPDN chứ không đi đòi nợ tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ.
Trong công thư của TS Nguyễn Tuấn Anh gửi Thủ tướng (được Văn phòng Chính phủ chuyển tới các bộ, ngành nghiên cứu) đã đề nghị cần xây dựng cơ chế để tổ chức phát hành tái cơ cấu lại các khoản nợ TPDN như cho phép đàm phán, thương thảo các điều kiện và mua lại trái phiếu đã phát hành hoặc hoán đổi lấy cổ phần, lấy tài sản, hạng mục đầu tư (là mục tiêu đợt phát hành TPDN).
Vị chuyên gia này khuyến nghị Thủ tướng cho phép các tổ chức phát hành trái phiếu hoạt động có lãi, đáp ứng các điều kiện nhất định được tiếp tục phát hành trái phiếu để hoán đổi trái phiếu đã phát hành.
Với các trái chủ không đồng ý hoán đổi thì doanh nghiệp phát hành TPDN phải tiếp tục thực hiện các điều khoản với các lô trái phiếu đã phát hành. Kinh nghiệm này đã được Trung Quốc thực hiện từ tháng 8-2020.
Cần những giải pháp “phá băng” thị trường trái phiếu doanh nghiệp kịp thời - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khoi-thong-von-cho-thi-truong-trai-phieu-2022120509154024.htm