Tiền gửi của toàn hệ thống đến hết tháng 9 đạt 13,83 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,33% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng đã lên tới 11,05%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư tăng trưởng dương 9 tháng liên tiếp. Tháng 9 vừa rồi, người dân gửi thêm 1.436 tỷ đồng vào tổ chức tín dụng, đưa số dư của nhóm này lên 5,63 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 9 cũng tăng thêm gần 105.000 tỷ đồng, đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó. Trong tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 87.783 tỷ đồng. Hay tháng 7 liền trước, các tổ chức kinh tế cũng gửi tiền giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng 6. Sau 2 tháng liên tiếp tiền gửi của doanh nghiệp sụt giảm thì nay đã tăng trở lại.
Có diễn biến tích cực hơn so với tháng 8 nhưng tiền gửi của toàn hệ thống cuối tháng 9 vẫn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 là hơn 11,46 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, đạt 13,83 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,33% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 6,38% còn của các doanh nghiệp tăng 2,43%.
Dù vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn chênh lệch lớn so với tăng trưởng tín dụng. 9 tháng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng. Chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà lưu ý việc mặt bằng vốn năm nay khác mọi năm. Huy động vốn tăng trưởng chậm, chỉ bằng 1/3 so với tăng trưởng của tín dụng.
Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động được tiền mới có tiền cho nền kinh tế vay.
Để thu hút người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9. Các ngân hàng thương mại sau đó cũng bắt đầu bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động. Hiện tại, mức lãi suất 9%/năm với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng đã không còn hiếm. Một số nhà băng thậm chí điều chỉnh 3 lần biểu lãi suất huy động chỉ trong một tuần.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gan-14-trieu-ty-dong-chay-vao-ngan-hang-van-cach-xa-tang-truong-tin-dung-20221123063138793.htm