Không chỉ Coca-Cola, nhiều doanh nghiệp ngoại như Lazada, BigC, Metro cũng phải "bán mình" tại thị trường Việt Nam.
Coca-Cola Việt Nam
Hôm 18/7, công ty Swire Coca-Cola, thành viên Tập đoàn Swire Pacific Limited (Hồng Kông), cho biết đã đạt thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Thương vụ có giá trị 1,015 tỷ USD và dự kiến hoàn tất vào quý III.
Công ty Swire Coca-Cola là đối tác lớn thứ 5 của Công ty Coca-Cola với các nhà máy chính ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và một số bang tại Mỹ. Hiện tại, hãng sở hữu hơn 60 nhãn hiệu đồ uống và phân phối đến nhiều thị trường.
Coca-Cola Việt Nam về tay chủ mới ở Hồng Kông (Ảnh: Reuters).
Phía doanh nghiệp Hồng Kông cho biết thương vụ này đánh dấu lần đầu tư đầu tiên của Swire Coca-Cola tại khu vực Đông Nam Á, một trong những thị trường đồ uống có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, Swire sẽ sở hữu và vận hành Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam cũng như nhà máy sản xuất Coca-Cola tại Campuchia.
Đại diện Swire cho biết, thị trường đồ uống không có cồn tại Việt Nam và Campuchia rất tiềm năng với giá trị hơn 6 tỷ USD và được dự báo tăng trưởng hơn 6% mỗi năm trong gần 15 năm tới.
BigC Việt Nam (GO!)
Tháng 4/2016, tập đoàn Central Group (Thái Lan) chính thức mua lại hệ thống siêu thị BigC từ tập đoàn Casino (Pháp) với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Việc bán BigC cho Central Group là một phần trong kế hoạch giảm nợ của chuỗi bán lẻ thực phẩm Pháp.
Trước đó, tháng 3/2016, Central Group đã tham gia đấu thầu nhằm mua lại BigC. Giới phân tích nhận định, chiến lược này giúp "ông lớn" Thái Lan mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN.
Sau 5 năm về tay ông chủ Thái Lan, cái tên BigC Việt Nam đã biến mất (Ảnh: GO!).
Năm 2021, 7 siêu thị Big C nằm trong các tòa nhà được đổi tên mới là Tops Market và 5 đại siêu thị Big C được đổi tên thành GO!.
Lazada Việt Nam
Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) chi 1 tỷ USD "thâu tóm" Lazada từ tập đoàn Rocket Internet (Đức). Cụ thể, Alibaba đầu tư 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành, 500 triệu USD mua lại cổ phần từ cổ đồng của Lazada.
Thời điểm đó, thương vụ được kỳ vọng sẽ giúp các nhãn hàng, nhà phân phối kinh doanh trên nền tảng của Alibaba có thể tiếp cận được thị trường Đông Nam Á.
Tập đoàn Alibaba chi 1 tỷ USD "thâu tóm" Lazada (Ảnh: Ebrun)
Sau khi về tay Alibaba, Lazada Việt Nam vẫn tiếp tục làm tròn sứ mệnh là thúc đẩy mảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, những năm gần đây, hãng này đang phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Shopee, Tiki, Sen đỏ và các nền tảng khác.
Metro Việt Nam (MM Mega Market)
Tháng 8/2014, tập đoàn Metro (Đức) đã chuyển nhượng 19 trung tâm và các bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan). Tổng giá trị của thương vụ là 655 triệu euro (khoảng 879 triệu USD).
Tại thời điểm Metro nhượng quyền cho BJC, tập đoàn này đang trong tình cảnh lỗ triền miên. Trong suốt 12 năm, từ 2002 đến 2014, Metro liên tục báo lỗ, ngoại trừ năm 2010, doanh nghiệp công khai lãi 116 tỷ đồng.
Sau một năm về tay ông chủ người Thái, Metro Việt Nam đổi tên thành MM Mega Market.
Thương vụ Metro Việt Nam trị giá 655 triệu Euro (Ảnh: Reuter).
Hiện tại, MM Mega Market cũng không quá nổi bật so với các tên tuổi trong ngành như Aeon (Nhật Bản), GO! (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Winmart (Việt Nam)…
Theo An Chi/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/diem-lai-nhung-doanh-nghiep-ngoai-phai-ban-minh-tai-thi-truong-viet-nam-20220728123424121.htm