Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chưa có bất cứ văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản mà chỉ dừng lại văn bản cảnh báo để kiểm soát.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mới đây đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến việc kéo dài Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như câu chuyện cho vay bất động sản của ngân hàng.
Tôi không nghĩ ngành ngân hàng có đặc quyền với Nghị quyết 42
Nghị quyết 42 đang dần đi đến hồi kết, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
- Khi có Nghị quyết 42, khách hàng nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ đối với ngân hàng nên đã có sự hợp tác tích cực. Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến thời điểm ngày 31/12/2021 còn khoảng 1,49-2%. Nếu dịch Covid-19 không xảy ra, tôi tin chắc hệ thống ngân hàng đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 42.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc. Thứ nhất, từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xét xử theo hình thức rút gọn nhưng đến nay chưa xét xử được vụ nào. Thứ hai, việc thu giữ tài sản và chuyển nhượng rất khó khăn, đặc biệt đối với những tài sản đảm bảo không phải là những dự án.
Thứ ba, Nghị quyết 42 cho phép tiền thu được do phát mại tài sản ưu tiên để trả trước song nhiều trường hợp phải trả thuế trước sau đó mới trả nợ ngân hàng. Có những trường hợp các tổ chức tín dụng (TCTD) phát mại tài sản đảm bảo rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải trả đủ thuế mới có thể sang tên tài sản.
Thứ tư, một số chính quyền địa phương vào cuộc chưa được quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt ở các cấp phường xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (Ảnh: VNBA).
Sau hai năm đại dịch Covid-19, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên. Quan điểm của ông về việc để giảm áp lực nợ xấu lên ngân hàng, Chính phủ đang đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 và tiến tới sẽ có Luật về xử lý nợ xấu?
- Trường hợp Nghị quyết 42 hết hiệu lực và không được gia hạn hiệu lực, tôi cho rằng ngân hàng vẫn xử lý được nợ xấu. Tuy nhiên, kết quả rất hạn chế, không những thế lại dẫn tới tình trạng khách hàng chây ì không trả nợ, ý thức và trách nhiệm trong việc trả nợ của khách hàng sẽ quay trở lại như trước khi có Nghị quyết 42 và khả năng nợ xấu sẽ rất khó khăn trong việc xử lý. Trước áp lực đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ giúp ngành ngân hàng xử lý nợ xấu đạt được kết quả rất khả quan, đồng thời người dân ý thức được trách nhiệm trong việc trả nợ, vì vậy, việc kiến nghị kéo dài Nghị quyết 42 tôi cho là rất cần thiết.
Hoặc có thể ban hành luật chuyên ngành về xử lý nợ xấu, trường hợp không ban hành được luật xử lý nợ xấu thì trong thời gian kéo dài Nghị quyết 42 tôi mong muốn NHNN phối hợp với các bộ, ngành rà soát Luật các Tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan trên cơ sở rút kinh nghiệm quá trình thực thi Nghị quyết 42 để sửa đổi bổ sung đồng bộ Luật các Tổ chức tín dụng với các bộ luật liên quan để Chính phủ, Quốc hội không phải quan tâm lo lắng vấn đề nợ xấu của các TCTD.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (Ảnh: Mạnh Quân).
Khi Nghị quyết 42 được ban hành, có những ý kiến cho rằng Quốc hội, Chính phủ đã trao "nhiều đặc quyền cho ngành ngân hàng". Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi không nghĩ đó là đặc quyền, bởi thực tế trước khi có Nghị quyết 42, nhiều trường hợp, ngân hàng đòi nợ rất khó khăn, phát mãi tài sản không được, thu giữ tài sản không xong, đôn đốc đòi nợ không được, khách hàng bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý...
Tất cả những vấn đề này ngân hàng không làm gì được. Ý thức trả nợ ngân hàng của khách hàng rất kém, dẫn đến các khoản nợ mặc dù có tài sản bảo đảm song không phát mại được, nợ xấu tăng cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Tôi rất mong muốn xã hội hiểu rõ và nhìn nhận nợ xấu cơ bản không phải do ngành ngân hàng gây ra, ví dụ như suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh xảy ra.
Giá đất "sốt nóng, sốt lạnh", ai sẽ chịu rủi ro?
Các doanh nghiệp bất động sản đang là khách hàng lớn của ngân hàng. Họ đang bị siết trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là thị trường chứng khoán đang "đỏ lửa", dòng vốn của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Nếu tiếp tục siết có thể sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, đồng thời xảy ra vỡ nợ chéo liên quan đến các ngân hàng. Ông có lo ngại vấn đề này không?
- Hiện tại, đang có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản. Như vậy, số lượng tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ khá lớn.
Chúng ta thử đặt lại vấn đề là ngành kinh doanh bất động sản đang được cho là rất khó khăn, vậy thì tại sao giá bất động sản vẫn đang tăng gấp nhiều lần so với trước đây? Giá tăng như vậy khiến cho nhiều người dân có nhu cầu không mua được nhà. Tại sao giá tăng như vậy? Liệu có hiện tượng làm giá hay không... là những câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo tôi, trong lúc này ngân hàng nên hết sức thận trọng khi cho vay bất động sản. Bởi nếu giá trị một căn nhà trước đây chỉ 100 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 300 triệu đồng/m2. Với tỷ lệ cho vay 50% giá trị tài sản thì khi giá bất động sản xuống, ai sẽ chịu rủi ro? Nếu cứ đầu tư mạnh vào bất động sản để đẩy giá lên và không bán được, thì chỉ cần dừng lại một dòng thanh khoản sẽ có rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng cần lường trước những điều này để đánh giá đúng những rủi ro có thể xảy ra cho chính mình.
Hiện tại, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực bất động sản rất linh hoạt. Chưa có một văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, hay cũng chưa có một nội dung nào liên quan đến chỉ đạo đối với việc không cho vay lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực rủi ro cao trong hoạt động kinh doanh bất động sản và chứng khoán, ngành ngân hàng cũng có ban hành nhiều văn bản cảnh báo để kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực này.
Hiện nay, có đến 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản (Ảnh: Tiến Tuấn).
Để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động, theo tôi, các TCTD cũng nên rà soát lại các hoạt động cho vay này. Bởi, trong trường hợp thị trường bất động sản đóng băng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung, vì ngành này có liên quan đến rất nhiều ngành nghề trong đó có ngân hàng.
Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và cách nhìn nhận hết sức đúng đắn, đồng thời ngành ngân hàng cũng phải có các giải pháp cho phù hợp chứ không nên như giai đoạn năm 2009-2010. Do vậy, ngân hàng nào thấy rằng việc đầu tư vào bất động sản lớn rồi thì cần rà soát lại để điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo tôi, lĩnh vực chứng khoán, bất động sản là rủi ro nên rất cần thận trọng, không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay, mà cần phải xem xét chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để không xảy ra tình trạng "sốt nóng, sốt lạnh", hoặc là thị trường bất động sản đóng băng. Bởi điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản, mà còn tới các TCTD. Đây là vấn đề ngành ngân hàng rất quan tâm và tôi mong muốn các TCTD chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Phát triển thị trường vốn lành mạnh có phải là giải pháp giảm nguy cơ nợ xấu tăng cao? Theo ông, đâu là những bước đi trong dài hạn?
- Theo tôi, cần xác định rõ vai trò quản lý thị trường vốn (đáng chú ý là trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán) và thị trường tiền tệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi thị trường vốn có vấn đề thì tất cả áp lực lại đổ sang thị trường tiền tệ như thời gian qua.
Thực tế, ngành ngân hàng không có chức năng quản lý thị trường vốn nhưng những biến động trên thị trường này lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Ví như cơ chế chính sách cho trái phiếu doanh nghiệp không phải do ngành ngân hàng ban hành nhưng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khi họ thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản bảo đảm…
Theo quy định, doanh nghiệp đã niêm yết rồi thì 6 tháng phải báo cáo tài chính một lần. Vậy tại sao doanh nghiệp lỗ 6 tháng liên tục mà thị trường chứng khoán vẫn "tím trần", điều này đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, liệu đã có những cảnh báo cho nhà đầu tư hay chưa. Vậy khi thông tin không đầy đủ và không chính xác, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cần nhìn rõ và nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp thỏa đáng.
Đối với trái phiếu riêng lẻ, tôi đề nghị cần quản lý chặt, không thể cho phát hành "vô tội vạ" như thời gian qua.
Với những bất ổn trên thị trường vốn như thời gian qua, nếu bây giờ tất cả lại dồn hết sang vai ngân hàng thì sẽ rất khó cho ngành ngân hàng. Vậy nên tôi kiến nghị cần phải tách bạch rõ để ngân hàng làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Ngành ngân hàng Việt Nam hiện khác với các nước khác trên thế giới, đó là kiêm cả 2 vai: ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Do đó, việc bơm vốn ra thị trường với liều lượng ra sao để không tạo áp lực lạm phát là một bài toán với ngành ngân hàng. Bây giờ khi doanh nghiệp khó khăn lại đổ lỗi ngân hàng không cho vay là không đúng. Hay khi thị trường vốn khó khăn lại đổ cho ngân hàng không nới room để cho vay… Cần phải nhìn thẳng vào chức năng và nhiệm vụ của ngành ngân hàng để có cái nhìn thấu đáo hơn.
Trong nhiều năm nay, thị trường vốn hoạt động từng bước phát triển song chưa thực sự ổn định dẫn đến tình trạng như hiện nay. Việc huy động và phát hành trái phiếu khó khăn, thị trường chứng khoán chưa ổn định dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trách nhiệm cung cấp vốn cho nền kinh tế lại đổ sang vai ngành ngân hàng.
Thông tư 22 đã được ban hành nhiều năm với lộ trình rõ ràng, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, dứt khoát. Tháng 10, các TCTD phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt tỷ lệ 30%. Tôi rất ủng hộ quan điểm của NHNN trong việc không lùi thời hạn áp dụng Thông tư 22. Tôi cho rằng, chỉ có như vậy hoạt động thị trường vốn và thị trường tiền tệ mới lành mạnh được.
Theo Văn Hưng/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chua-co-mot-van-ban-nao-chi-dao-siet-tin-dung-bat-dong-san-20220603103210564.htm