Trong khi nhiều loại trái cây vẫn khó tiêu thụ thì giá vải đầu mùa 2022 tại Thanh Hà (Hải Dương) đang được bán dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg - mức giá cao kỷ lục.
Thu hoạch vải u trứng trắng ở huyện Thanh Hà, Hải Dương để xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: MINH NGUYỆT
Nhìn từ vụ vải thiều năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của Hải Dương và Bắc Giang cho thấy khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả người dân thì việc tiêu thụ nông sản sẽ thuận lợi hơn.
100% diện tích là VietGAP, GlobalGAP
Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết sản lượng vải toàn tỉnh năm nay ước đạt hơn 60.000 tấn. Toàn bộ diện tích vải đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm nay, có gần 5.000 tấn đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản.
Nhờ đó, vải sớm (u trứng trắng, u hồng, Tàu lai…) từ 10-5 tới nay tại Thanh Hà bán buôn dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, bán lẻ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Tại Chí Linh, giá từ 35.000 - 55.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục so với những năm trước.
Ông Trần Quốc Toản - phó giám đốc Sở Công thương Hải Dương - cho biết thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, kết nối cầu truyền hình theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 29-5 nhằm kết nối với nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế.
Dự kiến hội nghị này sẽ có sự tham dự của các đại sứ quán, tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, khu vực Trung Đông...
Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh giao thương trực tiếp với các đơn vị phân phối, nhập khẩu ở trong và ngoài nước.
"Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số và các sàn giao dịch thương mại điện tử để đưa vải thiều lên sàn. Đẩy mạnh tiêu thụ vải quả tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh và các bếp ăn tập thể" - ông Toản cho hay.
Thị trường tiêu thụ vải phần lớn là Trung Quốc, tuy nhiên hiện phía bạn có những đòi hỏi khắt khe hơn, đặc biệt là đang áp dụng chính sách "zero COVID". Ông Phạm Văn Mạnh - chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương - cho biết huyện đã gửi hơn 1.000 thư mời đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm xuất khẩu vải nhằm tổ chức kết nối giao thương giữa các đối tác với người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ quả vải.
"Chúng tôi chủ động quảng bá vải thiều trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; sẽ tổ chức tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, tổ chức các đoàn giao thương xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai..." - ông Mạnh nói.
Nguồn: Sở Công thương Bắc Giang - Dữ liệu: CHí TUỆ - Đồ họa: N.KH.
Giữ chữ tín
Còn tại Bắc Giang, theo Sở NN&PTNT tỉnh này, vụ vải 2022 toàn tỉnh có 28.300ha vải thiều, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 15.400ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 102ha.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho hay năm 2021 mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cũng lần đầu tiên trái vải thiều của Bắc Giang đã vượt bão COVID-19, đi khắp mọi miền đất nước và được thị trường quốc tế đánh giá cao.
Ông Tuấn cho hay đã yêu cầu Sở Công thương tiếp tục tính toán các kịch bản, trong đó lưu ý đến cả những kịch bản xấu khi không xuất khẩu được sang Trung Quốc thì phải đầu tư các lò sấy, đảm bảo sản lượng vải thiều sấy khô xuất khẩu.
Ông Trần Quang Tấn, giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu).
Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "zero COVID" sẽ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thụ nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và sấy khô. Bắc Giang cũng đã đẩy mạnh bán trên tất cả các sàn thương mại điện tử, bán hàng online của các tập đoàn, siêu thị như Central Retail, Saigon Co.op…
"Đồng thời với đa dạng hóa các thị trường, chúng tôi luôn giữ chữ tín, chữ tâm trong chuỗi giá trị sản xuất để phát triển bền vững" - ông Tấn nói.
Phá rào cản đưa vải thiều sang Mỹ
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết nét mới năm nay là tỉnh Bắc Giang tổ chức thêm hội nghị riêng với Mỹ. "Từ năm 2014 đến nay, vải thiều Bắc Giang đã tới Mỹ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Cuối tháng 3-2021 vừa qua, chúng tôi cùng Bộ Ngoại giao và các đơn vị đã tổ chức hội nghị xúc tiến riêng nhằm thúc đẩy xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đến Mỹ" - ông Tấn nói.
Qua cuộc xúc tiến này, Bộ Công thương đã ghi nhận những khó khăn trong xử lý chiếu xạ. Những rào cản đã được tháo gỡ hết sức tích cực. Nhờ đó, tại cuộc xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào Mỹ ngày 29-3, các đơn vị đã ký kết 19 bản hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ vải thiều cho năm 2022. Đến ngày 14-5, tỉnh Bắc Giang tiếp tục ký biên bản với Tập đoàn Sun Hee để xuất khẩu vải chất lượng cao sang Mỹ nhiều hơn" - ông Tấn nói.
5,2 triệu tấn Đó là lượng trái cây trên cả nước cần tiêu thụ trong quý 2 và 3-2022. Nguồn: Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. |
Phải "tiếp thị chính sách" cho dân Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh mỗi cán bộ ngành nông nghiệp sớm hình thành tư duy "tiếp thị chính sách". Thay vì để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đi hỏi và tìm hiểu về các văn bản và quy định, các cán bộ và địa phương cần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", chủ động cập nhật các phương thức để phổ biến cho người dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị dành nguồn lực tối đa cho những trái cây sắp vào kỳ thu hoạch như mít, xoài, sầu riêng. Các địa phương cần thống kê chi tiết số lượng, diện tích các loại và lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp. |
Theo Chí Tuệ - Tiến Thắng/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bai-hoc-tieu-thu-vai-thieu-20220515224749422.htm