4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa… đều tăng so với cùng kỳ.
Nhiều chỉ số khởi sắc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng Cục Thống kê vừa công bố cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD tăng 16,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 4,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 12%; khách quốc tế đến nước ta tăng 184,7%...
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tính chung 4 tháng đầu năm nay ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%). Riêng tháng 4 năm nay, ước đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Xuất khẩu tôm Việt Nam thắng lớn ở thị trường Mỹ và châu Âu (Ảnh: Đại Việt).
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%.
Trong 4 tháng đầu năm, 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,97 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,86 tỷ USD, tăng 16,4%. Trong 4 tháng đầu năm nay có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,2%, giảm 0,46 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 0,5 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,04 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD.
4 tháng đầu năm nay, xuất siêu sang EU ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, tăng 2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,2 tỷ USD, tăng 58,3%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 15,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 790 triệu USD, tăng 57,7%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,73 tỷ USD.
Theo Hà Phong/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/he-lo-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-sau-4-thang-20220429111732798.htm