Với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, mỗi địa phương được phân vai và có sự gắn kết chặt chẽ với các địa phương khác trong vùng trong quá trình phát triển. Điều này cũng có nghĩa là tư tưởng manh mún và phát triển cục bộ ở từng địa phương sẽ được hạn chế.
01. Tăng tính liên kết vùng
Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.
Một hội nghị toàn quốc cũng diễn ra tuần qua nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, qua đó tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc mở đường cho cơ chế chính sách mới để phát triển khu vực này.
Tăng cường liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được đưa ra trong Nghị quyết. Theo đó, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng được nhấn mạnh.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. |
Trao đổi với Dân trí, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, việc ban hành Nghị quyết để phát triển vùng trung du miền núi Bắc Bộ là rất cần thiết. Qua đó khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực này, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng.
"Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời có vai trò quan trọng về địa chính trị. Việc định hướng đúng đắn từ nhận thức đến hành động ngay từ bước đầu thì thực hiện sẽ trọng tâm hơn, hiệu quả hơn, không bị phân tán, manh mún", ông Cường bình luận.
Liên kết vùng phải thể hiện khi nhiều cụm, ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực có lợi thế được liên kết tốt (Ảnh: Mạnh Quân).
Việc khơi dậy thế mạnh liên kết vùng được đặt ra từ rất sớm. Với Nghị quyết mới thì mỗi tỉnh, thành đều đã được phân vai và có sự gắn kết chặt chẽ với các địa phương khác trong vùng trong quá trình phát triển.
"Liên kết vùng hết sức quan trọng. Thực tiễn phát triển đặt ra nhiều vấn mà một địa phương không thể tự giải quyết được. Nếu bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp thì khó tạo ra động lực lan tỏa để phát triển", ông Cường nói.
Vị đại biểu Quốc hội này lấy dẫn chứng về việc phát triển hạ tầng, các trung tâm logistics… Khi tăng cường liên kết vùng trong lĩnh vực này sẽ tạo được sự thông suốt trong vận tải vận chuyển, tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, từ đó tạo động lực cho cả vùng phát triển. Hoặc liên kết vùng phải thể hiện khi nhiều cụm, ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực có lợi thế được liên kết tốt.
"Ví dụ, tỉnh này có thế mạnh về trồng trọt thì tỉnh bên cạnh có tận dụng lợi thế để làm khu chế biến với nguồn nguyên liệu dồi dào từ khu vực lân cận. Tăng liên kết sẽ hạn chế được lối phát triển kiểu "mạnh ai nấy làm", "mạnh ai nấy phát triển", ông Cường nói.
Bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cũng từng trăn trở với việc hợp tác, liên kết vùng, hình thành chuỗi giá trị… Bà cho rằng, cần thiết kế được các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, để từ đó thể hiện được trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và xây dựng được những cơ chế, chính sách có tính đột phá cho từng vùng, gắn với việc bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển chung.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết, Nghị quyết số 11 đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện cho phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 nhóm quan điểm, 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Thượng Lào, phía Đông giáp đồng bằng Sông Hồng, phía Nam giáp Bắc Trung Bộ; tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước... |
"Tuy nhiên, tôi cho rằng điểm trọng tâm đột phá tại Nghị quyết lần này về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chính là sự đổi mới về tư duy phát triển vùng nhằm khắc phục những điểm hạn chế căn bản trong liên kết và phát triển vùng thời gian vừa qua", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo đó, phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vừa phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia; phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, vừa phải khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng, từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có của vùng, hình thành các hành lang kinh tế, một số vùng động lực, các cực tăng trưởng; phát triển các chuỗi ngành kinh tế, các vùng đô thị và công nghiệp…
Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, liên kết vùng sẽ là một trong những giải pháp trong và sau đại dịch Covid-19, đặc biệt ở những khu vực như miền núi trung du phía Bắc. Thực tế cho thấy, trước những tác động của đại dịch, một địa phương khó có thể "làm nên chuyện", các địa phương trong vùng cần thay đổi tư duy, tạo mạng lưới liên kết trong vùng từ cung ứng, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, vì lợi ích chung…
02. Thúc đẩy hạ tầng - giải pháp quan trọng
Nghị quyết 11 đề cập tới việc tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng giao thông và những địa bàn xa xôi, đặc biệt khó khăn; coi đây là vấn đề có ý nghĩa trọng yếu đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, muốn phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, hạ tầng là vấn đề cốt lõi. Song khu vực này hiện nay còn thiếu hệ thống hạ tầng giao thông, đường kết nối giữa các địa phương, dù đã cải thiện trong những năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp, rời rạc.
Các tuyến liên kết nội vùng chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông. Đặc biệt, hệ thống đường kết nối Đông - Tây còn ít. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý, đồng bộ, tính kết nối không cao. Hệ thống đường giao thông biên giới còn nhiều khó khăn. Hạ tầng đường sắt không phù hợp cho kết nối quốc tế.
Việc lựa chọn phát triển kết cấu hạ tầng cũng được nhấn mạnh phải song song với phát triển các hành lang kinh tế. Đơn cử với vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - khu vực giữ vai trò quan trọng đối với cả vùng, hiện đóng góp gần 50% GRDP, gần 1/3 thu ngân sách của cả vùng nhưng thực tế năng lực kết nối vẫn còn yếu.
Cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo kết nối khu vực miền núi, trung du phía Bắc (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngoài ra, dù đầu tư hạ tầng là "cốt lõi", song theo ông Cường, để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa vào những khu vực này rất khó khăn do thu hồi vốn rất chậm.
"Ở đó cần có những chính sách kết hợp để thu hút nhà đầu tư. Trong đó, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nếu chỉ trông chờ thu hút các dự án tư nhân ở khu vực này thì khó có thể tạo nên sức bật. Thay vào đó, những khâu gì then chốt, khó khăn thì phải có sự tham gia của Nhà nước", ông Cường nói.
Cụ thể, đối với những vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng tuyến hầm đường lớn, nhất thiết cần có sự đầu tư của Nhà nước. Đồng thời cũng cần xây dựng những chính sách ưu tiên để có thể thu hút các nhà đầu tư tiếp cận. "Muốn thu hút nhà đầu tư thì cần để họ nhìn thấy được những tiềm năng trong tương lai", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Một yếu tố quan trọng khác, theo ông Cường, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực này cần mạnh dạn có những đầu tư mang tính chất bứt phá, thay đổi căn bản phương thức về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Cường cho rằng, ở khu vực này rất có lợi thế, tiềm năng trong việc phát triển nông nghiệp, du lịch với nhiều "đặc sản" về văn hóa, cảnh vật thiên nhiên, nông sản... "Tiềm năng lớn là vậy nhưng thực tế chúng ta khai thác vẫn chưa tốt. Vẫn đầu tư theo lối mòn, bài toán đặt ra là làm sao có thể xây dựng vùng Tây Bắc thành cực phát triển du lịch, sản xuất chế biến nông lâm sản", ông Cường trăn trở.
Bàn về giải pháp, đại biểu Tạ Thị Yên cũng từng kiến nghị cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở khu vực này theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, xanh, sạch, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Mặt khác, để cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở liên kết vùng, gắn kết với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đại biểu cũng cho rằng hệ thống giao thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thế mạnh về du lịch (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo Nghị quyết 11, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn yếu.
Về mục tiêu, Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước…"; và đến năm 2045 "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...".
03. Hoàn thành Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm nay
Hôm 21/4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm nay theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.
Còn Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu cơ chế phân chia lợi ích, chia sẻ tài chính và các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng. Chủ trì, nghiên cứu báo cáo Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo cơ chế thuận lợi cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu chung của vùng, sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan".
Còn Bộ Giao thông Vận tải tập trung nguồn lực Nhà nước và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng như: các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, hoàn thành trong quý IV năm nay. Cùng với đó, chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh, thành phố…
Theo Nguyễn Mạnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tang-lien-ket-vung-de-cung-phat-trien-khong-manh-ai-nay-lam-20220426004359681.htm