4
/
126844
Trái cây lại vào mùa rớt giá
trai-cay-lai-vao-mua-rot-gia
news

Trái cây lại vào mùa rớt giá

Thứ 7, 23/04/2022 | 09:30:41
69 lượt xem

Trái cây Việt Nam 4 tháng đầu năm trải qua sự sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu và giá bán nội địa vẫn chưa có khởi sắc mạnh mẽ khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.

Điệp khúc rớt giá 

Gia đình ông Văn Công Hòa, ngụ ấp 3, xã Kim Long, H.Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có 1,5 ha trồng bơ. Nếu như những năm trước đây bơ có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (bơ sớm), đến tháng 4 giá bơ còn 25.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đáng nói, sản lượng bơ tại hầu hết các vườn năm nay đều giảm mạnh, vườn của gia đình ông Hòa sản lượng chỉ đạt khoảng 10 tấn, giảm đến trên 40% nhưng giá bán vẫn thấp hơn so với mọi năm.

Trái cây sắp bước vào vụ thu hoạch rộ, dự báo tiêu thụ sẽ rất khó khăn do nguồn cung quá nhiều 

Vườn xoài Đài Loan có diện tích 1 ha của gia đình anh Nguyễn Minh Khánh, ngụ ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã chín vàng và tự rụng nhưng anh không buồn hái vì giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hoạch. Hiện giá xoài Đài Loan thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn một nửa so với những năm trước đây. Anh Khánh chia sẻ, 1 ha xoài của gia đình anh năm nay ước sản lượng khoảng 10 tấn nhưng anh chỉ thu hoạch được 6 tấn, còn lại khoảng 4 tấn giá xoài rớt xuống quá thấp, thương lái cũng mua rất cầm chừng nên anh thu không đủ chi tiền phí thuê nhân công hái xoài. Anh Khánh mặc kệ, để xoài chín rụng đầy gốc.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay có trên 12.000 ha diện tích trồng cây ăn trái với nhiều loại trái cây; trong đó có trái cây hè cho sản lượng lớn, trung bình 80.000 tấn mỗi năm. Dịch bệnh Covid-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, người dân thắt chặt chi tiêu khiến việc tiêu thụ giảm.

Hơn 1 tháng nay, nhiều chủ vựa khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp đã không còn thu mua mít Thái xuất khẩu nữa khiến giá mít rơi tự do chỉ còn 3.000 đồng/kg. Đáng nói, hiện giờ hàng xuất khẩu cũng được đánh đồng với hàng chợ và mua tất cả các loại chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg. Giá mít bán lẻ ở TP.HCM cũng còn khoảng 8.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, H.Đất Đỏ, có 3,5 sào trồng mít Thái siêu sớm, cho biết thời điểm ra tết còn bán được giá 9.000 đồng/kg, thì nay giá mít tại vườn thương lái thu mua chỉ 4.000 đồng/kg.

Theo một số thương lái lâu năm, chất lượng mít Thái thu hoạch trong thời điểm này rất kém do vào mùa mưa, mít rất dễ bị hư, không thể xuất khẩu được. Do đó, giá mít thường rớt thấp đến hết tháng 6 âm lịch. Thị trường tiêu thụ chính trong giai đoạn này là các tỉnh. Chị Nguyễn Phong Linh, một chủ vựa trái cây tại Biên Hòa (Đồng Nai), chia sẻ: “Mít trong mùa này nghịch mùa, người trồng dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, khi gặp mưa sẽ rất nhanh hư…”.

Khoảng nửa tháng nay, giá cam sành miền Tây cũng bất ngờ rớt giá mạnh, giảm gần 10.000 đồng/kg. Một số chủ vựa thậm chí còn bất ngờ khi hôm trước còn “ôm” hàng với giá cao, hôm sau có nguy cơ lỗ khi giá tụt mạnh. Anh Nguyễn Minh Thuận, một chủ vựa tại Tam Bình, Vĩnh Long, cho biết: Mới nửa tháng trước giá cam loại 1 còn ở mức 20.000 đồng/kg, loại 2 giá 17.000 đồng/kg mà hôm nay đã rớt còn 10.000 - 14.000 đồng/kg. Đáng nói là cam sành thời gian qua khá hút hàng nên các chủ vườn không chịu bán giá thấp, giá cam rớt mạnh như hôm nay khiến cho cả người trồng và người thu mua đều bất ngờ. 

Trái cây sắp vào mùa thu hoạch rộ

Theo Bộ NN-PTNT, hầu hết sản lượng cây ăn quả năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Chuối đạt 654.300 tấn, tăng 3,3%; cam đạt 263.000 tấn, tăng 2,1%; dứa đạt 211.200 tấn, tăng 3,4%; xoài đạt 180.900 tấn, tăng 2,4%; bưởi đạt 158.200 tấn, tăng 3,2%. Riêng sản lượng thanh long đạt 349.700 tấn, giảm 3,2% do gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, nông dân trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đã có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật nghịch vụ đối với loại trái cây như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn tăng hiệu quả 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ. Tuy nhiên, trái cây nghịch vụ lại dần dần chiếm sản lượng lớn, tỷ lệ nghịch vụ tăng cao, do đó cạnh tranh lẫn nhau. Cụ thể, 5 loại trái cây chính gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 132.700 ha thì diện tích trồng nghịch vụ chiếm đến 71.900 ha, tương đương 62,6% tổng diện tích thu hoạch. Sản lượng trái cây nghịch vụ cũng chiếm đến 54,4% tổng sản lượng. Chính vì vậy trong thời gian sắp tới, lượng trái cây khổng lồ sẽ đồng loạt được thu hoạch, gây khó khăn hơn trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Trước tình hình trái cây trái vụ dần dần trở thành chính vụ, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương khi tiến hành rải vụ cây ăn trái, cần hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất, sản xuất rải vụ phải gắn với đầu ra của sản phẩm. 

Tìm thị trường mới

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện lượng xe xuất khẩu mỗi ngày qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tăng lên, bình quân đạt từ 90 - 100 xe/ngày, có ngày tăng cao lên trên 130 xe, gồm các mặt hàng như trái cây, hoa quả, linh kiện điện tử, ván bóc, cá, vải… Tuy nhiên, nhìn chung tình hình xuất khẩu trái cây, nông sản theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn còn rất khó khăn. Thống kê kim ngạch xuất khẩu và thu thuế tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai trong quý 1/2022 đều bị sụt giảm đáng kể.

Để ngăn chặn đà sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trái cây, các vùng sản xuất cây ăn quả trên cả nước đang tích cực hỗ trợ để đưa trái cây đi các thị trường xa hơn. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp cùng thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các doanh nghiệp để quảng bá vải thiều Việt Nam tại thị trường này. Đại diện Vietnam Airlines cho biết: “Năm nay, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang và các doanh nghiệp để đưa quả vải thiều vươn ra thị trường thế giới. Hãng bảo đảm sẵn sàng 180 - 200 tấn tải/ngày trên các chuyến bay nội địa và dành khoảng 20% tải trên các chuyến bay quốc tế để vận chuyển vải thiều; ưu tiên tạo luồng phục vụ riêng cho mặt hàng này, rút ngắn thời gian từ khi tiếp nhận đến lúc phát hàng; giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên các chuyến bay và sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2022 dự kiến đạt hơn 160.000 tấn, trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với diện tích 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.

Bên cạnh đó, các loại trái cây khác như thanh long, sầu riêng, chuối Laba… cũng đang tích cực chinh phục thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia… góp phần san sẻ sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/trai-cay-lai-vao-mua-rot-gia-post1451211.html

  • Từ khóa

Vé xe khách Tết 2025 tăng 40 - 60%

Các bến xe khuyến khích nhà xe không tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán, nhưng nếu phải điều chỉnh để bù chi phí xe chạy rỗng cũng không quá 40 - 60% so với...
18:48 - 24/11/2024
119 lượt xem

Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng'

Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
09:23 - 24/11/2024
353 lượt xem

Giá vàng hôm nay 23.11.2024: Vàng tăng lên 5 triệu đồng/lượng

Sau 2 tuần giảm, giá vàng tuần qua đã tăng mạnh, khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Một số dự báo trong tuần tới, giá vàng sẽ tiếp...
08:32 - 24/11/2024
365 lượt xem

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
749 lượt xem

Giá USD tăng cao nhất trong năm

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế...
08:57 - 23/11/2024
929 lượt xem