Mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15.3 với kỳ vọng đón đầu cơ hội hút khách quốc tế, nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, du khách nước ngoài tới VN chưa được như kỳ vọng.
Khách vào nhỏ giọt
“Vẫn chưa có gì, chỉ mới túc tắc vài đoàn khách nhỏ giọt thôi”, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis, thông báo. Điều này đã được dự báo từ trước, rằng nếu mở cửa đúng kế hoạch vào tháng 3 thì sớm nhất phải tới tháng 10 - 11 thị trường du lịch quốc tế mới ấm dần lên. Ông chủ của Oxalis phân tích: thị trường khách quốc tế đến Việt Nam hiện rất eo hẹp: 65% thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… gần như đã mất, không thể “mơ” mở cửa là khách ào tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã để lỡ cơ hội đón đầu dòng khách nước ngoài khi những quy định nhập cảnh và thời điểm mở cửa nhùng nhằng mãi tới phút cuối. Cũng vì thế, Oxalis đã phải chấp nhận hủy 1 chương trình marketing rất lớn có độ phủ lên tới gần 90 triệu người trên thế giới và mất nhiều hợp đồng với đối tác bên Mỹ đưa khách qua Việt Nam giai đoạn đầu tháng 3. “Cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để doanh nghiệp (DN) quảng bá, tiếp cận thị trường, mời gọi khách tới Việt Nam. Chúng ta vừa mới mở cửa, không thể mong nhanh có khách, chỉ có thể chờ thôi”, ông Nguyễn Châu Á nói.
Đoàn du khách Mỹ tham quan TP.HCM ngày 8.4.2022. NHẬT THỊNH
Thực tế tại các địa phương, các đoàn du khách quốc tế tới TP.Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) từ thời điểm du lịch mở cửa chủ yếu là các đoàn Famtrip và Presstrip gồm đại diện các công ty lữ hành, báo chí Thái Lan tới khảo sát thị trường Việt Nam. Đến nay, mới chỉ có Hội An và TP.HCM đón được đoàn khách du lịch quốc tịch Mỹ với số lượng ít ỏi, chỉ vài trăm khách.
Khách ít, thị trường hàng không quốc tế khởi động làm bàn đạp cho du lịch từ tháng 2 đến nay vẫn chưa khởi sắc. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Hãng hàng không Vietnam Airlines, cho biết dịp cao điểm từ 28.4 - 4.5, Vietnam Airlines ghi nhận gần 20.000 lượt khách đăng ký bay quốc tế đến, đi từ Việt Nam. Tỷ trọng lấp đầy chuyến bay đã đạt khoảng 50%, trong đó các đường bay Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhất với nhiều chuyến đã đặt chỗ từ 60% đến hơn 80%. Đáng chú ý, đối tượng khách du lịch chưa cao, trong khi trước đại dịch, ước tính có tới hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch.
VN có đẹp đến đâu, có sản phẩm mới thế nào, mở cửa thông thoáng ra sao mà khách không biết thì họ cũng không tới. Du lịch VN cần sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi và liên tục thì mới có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh, mau chóng khôi phục
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis
Theo ông Nguyễn Quang Trung, trên cơ sở dự báo của IATA, Vietnam Airlines đã xây dựng kịch bản trong năm 2022, khách bay quốc tế sẽ phục hồi khoảng 50% so với trước đại dịch, dù Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn từ 15.3. Nguyên nhân, mặc dù hầu hết đường bay quốc tế đến các thị trường truyền thống của Vietnam Airlines hiện đã phục hồi, tuy nhiên 70% khách quốc tế đến Việt Nam trước đại dịch là khách du lịch và đối tượng này thường cần ít nhất 2 - 3 tháng để phát động thị trường. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng đến việc du khách quốc tế trở lại Việt Nam và khách từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Đơn cử, quy định bắt buộc khách phải xét nghiệm âm tính trước chuyến bay ít nhiều gây ra tâm lý lo ngại và phát sinh thủ tục. Một số nước, vùng lãnh thổ là các thị trường chính của chúng ta vẫn duy trì một số hạn chế về nhập cảnh. Đồng thời, việc cấp visa mới cho công dân Việt Nam của các nước trong giai đoạn hiện nay còn hạn chế về số lượng, đối tượng và thời gian cấp. Ngoài ra, năng lực tài chính của người dân cũng giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Nhập cảnh thông thoáng nhưng ít khách biết
Đồng quan điểm thị trường quốc tế không thể nhanh chóng hồi phục trong ngày 1 ngày 2, song chị Phương An, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lưu trú và nghỉ dưỡng, khẳng định việc quảng bá, tuyên truyền chưa đủ mạnh là một trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đón khách ngoại. Chị An đánh giá: So với Thái Lan, Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn hơn khi những điều kiện nhập cảnh rất thông thoáng.
Khách quốc tế vào Việt Nam chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính, không cần cách ly, chính sách miễn visa một số thị trường cũng đã phục hồi như giai đoạn trước dịch, còn lại thì xin visa vào như trước dịch. Trong khi đó, Thái Lan hiện vẫn áp dụng chương trình “Test and Go” với quy định khách quốc tế phải cách ly 1 đêm tại khách sạn chờ xét nghiệm PCR, nếu dương tính thì phải tiếp tục cách ly 14 ngày. Chưa kể, giá cách ly cũng khá cao, bao gồm xe chở từ sân bay về khách sạn, ăn uống...
“Đáng buồn là rất nhiều bạn bè, đối tác nước ngoài của tôi hiện đã trở lại du lịch Thái Lan, nhưng không ai trong số đó có ý định tới Việt Nam. Đơn giản vì không ai biết đến Việt Nam bây giờ dễ dàng như thế. Tôi có người bạn ở Bỉ, hồi đầu tháng 3 khi đi du lịch đã phân vân chọn giữa Việt Nam và Thái Lan. Trong khi Thái Lan đưa ra quy trình nhập cảnh đầy đủ, cặn kẽ, chi tiết trên các phương tiện truyền thông thì Việt Nam lúc đó còn nhùng nhằng chưa có thông tin gì. Giờ chúng ta có thông tin rồi, rộng cửa mở lại rồi cũng không truyền thông mạnh, không ai biết nên ít ai tới Việt Nam, đặc biệt là khách đi du lịch tự túc. Quá phí”, chị Phương An tiếc rẻ.
“Các hãng hàng không đang tiếp tục mở thêm các đường bay quốc tế tới các thị trường tiềm năng và tăng tần suất các chuyến bay nội địa. Du lịch đường sắt, du lịch đường thủy cũng sẽ được khai thác mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là những yếu tố bổ trợ giúp thị trường du lịch quốc tế nhanh chóng phục hồi”.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Đồng tình, ông Nguyễn Châu Á nhận định marketing, truyền thông vốn là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam từ trước đến nay. Hang Sơn Đoòng nổi tiếng là một trong những hang động kỳ vĩ nhất thế giới, nhưng hỏi 10 người Singapore, cả 10 người đều bảo không biết. Lâu nay, Việt Nam đều chủ yếu “nhờ” đối tác nước ngoài truyền thông “giùm”. 80% khách quốc tế đến Việt Nam đều do các công ty nước ngoài đưa về. “Việt Nam có đẹp đến đâu, có sản phẩm mới thế nào, mở cửa thông thoáng ra sao mà khách không biết thì họ cũng không tới. Du lịch Việt Nam cần sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi và liên tục thì mới có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh, mau chóng khôi phục”, vị này đề xuất.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, công tác quảng bá xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế sẽ được ngành du lịch tăng cường mạnh mẽ. Theo đó, việc khai thác thị trường khách du lịch quốc tế cũng như khai thác các phân đoạn thị trường khách mới tại những thị trường truyền thống sẽ ngày càng được đa dạng hóa. Các điểm đến du lịch và du lịch chuyên đề phù hợp với thị hiếu của khách du lịch sẽ ngày càng quan tâm phát triển. Cùng với đó, sản phẩm du lịch sẽ liên tục được làm mới phù hợp xu hướng, thị hiếu của thị trường giai đoạn hậu Covid-19 như đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch hướng về thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...
Theo Hà Mai/Thanh niên
https://thanhnien.vn/du-lich-manh-me-but-toc-van-cho-khach-quoc-te-post1450315.html