Bắc Giang có tiềm năng sản xuất, chế biến nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm song rất ít được xuất khẩu. Thực tế đó đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp để nông sản của tỉnh vươn ra thị trường thế giới.
Dư địa lớn
Bắc Giang có điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng như các tập đoàn cây ăn quả, gia súc, gia cầm, trồng rừng kinh tế. Để phát huy lợi thế này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 401, ngày 3/4/2019 về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Công nhân Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.
Mục tiêu là xây dựng nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng đó là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.
Hiện thực hoá chủ trương này, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, TP đã xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ các địa phương thực hiện. Nhờ đó đến nay, Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với nhiều sản phẩm đứng tốp đầu cả nước, như: Vùng chuyên canh cây ăn quả diện tích hơn 51 nghìn ha, đứng thứ 4 cả nước (trong đó vải thiều hơn 28 nghìn ha, lớn nhất cả nước); vùng trồng cây có múi hơn 10,7 nghìn ha... Đàn gia cầm 20 triệu con, trong đó đàn gà 17 triệu con, đứng thứ 5 cả nước; đàn lợn gần 1 triệu con, đứng thứ 8 cả nước.
Tỉnh cũng hình thành vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 12 nghìn ha... Một số sản phẩm đã xuất khẩu như: Vải thiều xuất đi 30 nước, được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; bưởi xuất sang Nga; rau chế biến, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng sang châu Âu và một số nước trong khu vực. Theo thống kê, năm 2021, tổng diện tích cây hàng năm của tỉnh đạt hơn 157,4 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 1,3 triệu tấn. Trong đó, lúa đạt gần 580,7 nghìn tấn; ngô gần 42,6 nghìn tấn; rau các loại hơn 459,4 nghìn tấn; vải thiều hơn 215,8 nghìn tấn…
Tăng cường sản xuất sạch, tìm kiếm thị trường
Tổng lượng nông sản lớn nhưng hiện Bắc Giang chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 100 nghìn tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều nhất vẫn là vải thiều (chưa qua chế biến), khoảng 90 nghìn tấn; rau chế biến các loại khoảng 10 nghìn tấn. Riêng gia cầm và lợn (2 vật nuôi chủ lực của tỉnh) chỉ xuất khẩu sống sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với số lượng ít. Do chỉ tiêu thụ nội tỉnh và trong nước dẫn đến nhiều thời điểm bị tồn đọng, giá cả bấp bênh, sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững.
Lễ xuất hành đoàn xe vận chuyển vải thiều sớm Tân Yên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh tư liệu.
Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản Bắc Giang cho rằng: Nông sản an toàn là “chìa khoá” tiếp cận thị trường xuất khẩu. Do đó, nguyên nhân nông sản của tỉnh xuất khẩu được ít là do chất lượng còn hạn chế. Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều.
Điển hình như vải thiều hiện có hơn 15,2 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ có hơn 1,7 nghìn ha; diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP gần 520 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện tỉnh chưa hình thành được nhiều vùng chăn nuôi tập trung đạt tiêu chuẩn vùng an toàn dịch bệnh (đây là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu) nên chưa có sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.
Tổng lượng nông sản lớn nhưng hiện Bắc Giang chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 100 nghìn tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều nhất vẫn là vải thiều (chưa qua chế biến), khoảng 90 nghìn tấn; rau chế biến các loại khoảng 10 nghìn tấn. Riêng gia cầm và lợn (2 vật nuôi chủ lực của tỉnh) chỉ xuất khẩu sống sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch với số lượng ít. |
Để tăng lượng nông sản xuất khẩu, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và liên kết với người dân, HTX đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ xuất khẩu; quan tâm chuẩn hóa các quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn.
Sở tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông sản sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư cơ giới hóa, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giảm nhân công và giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Tập trung triển khai Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025; xây dựng mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm theo quy trình sản xuất phục vụ xuất khẩu; thu hút DN có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đồng thời xây dựng vùng chăn nuôi tập trung đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh (hiện Bắc Giang đang xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho gà tại huyện Yên Thế), trọng tâm là các đối tượng có tiềm năng xuất khẩu, gồm: Lợn sữa, thỏ, gà và bò.
“Tới đây, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, mở rộng ra các nước. Đồng thời tăng cường đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới”, ông Tùng cho hay.
Theo Thế Đại/BGĐT
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/381161/nong-san-an-toan-giay-thong-hanh-ra-thi-truong-the-gioi.html