Giá dầu thế giới tăng trở lại sau 3 ngày trượt dốc khi các nhà đầu tư cân nhắc thiệt hại từ xung đột Nga - Ukraine và tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Giá dầu đã hồi phục một phần sau 3 ngày trượt dốc - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Bloomberg, giá dầu trong các hợp đồng giao dịch trong tương lai tại sàn New York (Mỹ) đã tăng lên gần 96 USD/thùng, sau khi giảm 13% trong 3 phiên vừa qua.
Chiến sự tại Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy dầu mỏ của Nga. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán sản lượng dầu của quốc gia này sẽ giảm khoảng 1/4 vào tháng tới.
Thủ tướng Libya đã kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) thúc đẩy nguồn cung nhanh hơn để giúp giải quyết "cuộc khủng hoảng năng lượng" hiện nay.
Dầu thô Brent đã tăng lên gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3-2022, sau đó nhanh chóng giảm trở lại dưới 100 USD trong tuần này.
Bên cạnh xung đột ở Ukraine, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán đã có khởi đầu tích cực trong ngày 17-3, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết nền kinh tế của họ có thể vượt qua tình trạng lạm phát cao, dù nhiều chuyên gia lo ngại tăng trưởng kinh tế vẫn có nguy cơ đi xuống.
Cổ phiếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều tăng giá. Chỉ số Topix (Nhật Bản) tăng 2,4%, trong khi chỉ số Kospi (Hàn Quốc) và S&P/ASX 200 (Úc) tăng lần lượt 1,8% và 1,1%.
Giá trị các hợp đồng tương lai của hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng tăng vọt, kéo toàn bộ thị trường Mỹ đạt mức tăng tốt nhất trong vòng 2 ngày, kể từ tháng 4-2020.
Tính đến 7h20 ngày 17-3 giờ Việt Nam, hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq 100 cùng tăng 0,2%.
Chỉ số dành cho các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ đã tăng 33% qua đêm.
Một số nhà đầu tư đã tự tin hơn sau các tín hiệu tích cực trong việc giải quyết căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay.
Câu hỏi quan trọng đối với các thị trường hiện vẫn là liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể giải quyết lạm phát cao mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng, hay thậm chí là gây ra suy thoái hay không.
Cú sốc nguồn cung hàng hóa từ xung đột tại Ukraine cũng làm gia tăng áp lực giá cả và rủi ro kinh tế.
Theo Nguyên Hạnh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/gia-dau-tang-sau-3-ngay-giam-manh-chung-khoan-tang-diem-2022031709141151.htm