4
/
125385
Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu "nóng rẫy"
truoc-gio-dang-dan-cua-bo-truong-hang-loat-van-de-xang-dau-nong-ray
news

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu "nóng rẫy"

Thứ 4, 16/03/2022 | 06:57:01
1,847 lượt xem

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình cung ứng, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua trong sáng nay.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu "nóng rẫy"

BỘ TRƯỞNG NGỒI "GHẾ NÓNG" TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình cung ứng, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Tại phiên họp thứ 9, trên cơ sở các nguồn thông tin và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thuộc ngành Công Thương.

Trong đó, tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua là một trong nhóm nội dung lớn và "nóng rẫy" mà ông Nguyễn Hồng Diên sẽ phải làm rõ khi đăng đàn trả lời chất vấn.

Cùng với giá xăng dầu tăng mạnh, nguồn cung cùng nhiều vấn đề bất cập khác trên thị trường này bộc lộ, đặt ra vấn đề trách nhiệm và câu trả lời của tư lệnh ngành.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 1Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 2

Một số cây xăng treo biển hết hàng, một số cây xăng khác giơ 3 ngón tay ý chỉ bán 30.000 đồng (Ảnh: Phương Nhi).

ĐỂ NGUỒN CUNG ĐỨT GÃY LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít - mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết nên theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo.

Cùng khoảng thời gian này, hàng loạt những bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu bộc lộ rõ nét hơn. Một loạt cửa hàng xăng dầu trong khu vực phía Nam đóng cửa, treo biển hết hàng…

Dẫn đến tình trạng này, một số nguyên nhân chính được chỉ ra. Thứ nhất, việc lùi thời gian điều chỉnh bất chấp giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị nén lại. Khi doanh nghiệp càng bán càng lỗ sẽ dễ dẫn tới hiện tượng găm hàng hoặc không muốn bán hàng…

Nhiều chuyên gia lập tức lên tiếng cho rằng nếu giá xăng dầu được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn thì sẽ không xảy ra hiện tượng đóng cửa, ngừng bán, gây xáo trộn và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.

Tại kết luận được ban hành ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh để xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân… là trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc nguồn cung có nhiều xáo trộn được chỉ ra là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất. Trong khi đó, nhà máy này cung ứng ra thị trường 35-40% nhu cầu xăng, dầu trong nước.

Ngay đầu tháng 1 và tháng 2 năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất.

Bộ Công Thương thừa nhận, việc nhà máy này không bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu nội địa.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 3

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị cung cấp xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam lại trục trặc trong lúc giá xăng dầu thế giới lập kỉ lục (Ảnh: IT)

Đến thời điểm này, Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy. Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II năm nay "không bao gồm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn".

Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - nhấn mạnh với Dân trí, quản lý điều hành xăng dầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn cung. Bộ Công Thương cần phải ưu tiên cân đối đảm bảo nguồn cung, xây dựng kịch bản, chỉ đạo các nhà máy ra sao miễn "không để thị trường thiếu hụt". 

Việc thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, xã hội. Nhà nước đã giao cho Bộ Công Thương công cụ, chính sách để quản lý thị trường, đảm bảo thông suốt sản xuất, nguồn cung, phân phối thì trách nhiệm của Bộ rất lớn, theo ông Ánh.


Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 4Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 5

DOANH NGHIỆP CÀNG BÁN CÀNG LỖ VÀ NHỮNG BẤT CẬP VỀ GIÁ

Trước biến động rất lớn từ thị trường xăng dầu thế giới, xăng dầu trong nước lập "đỉnh" liên tục về giá. "Cao nhất 8 năm", "cao nhất 9 năm"... rồi "lập đỉnh lịch sử" là những cụm từ đi liền với giá xăng.

Trước phiên điều chỉnh hôm 11/3, người dân tại Hà Nội ùn ùn đi mua xăng. Nhiều người mang cả can, bình, thùng phuy… để mua tích trữ. Bối cảnh vô cùng rối ren, nhiều người ví thị trường nhộn nhịp như "trẩy hội"... Hệ quả, không chỉ khu vực miền Nam, ở Hà Nội cũng xuất hiện những biển thông báo hết hàng.

Song khác với các thị trường hàng hóa khác, hàng bán đắt khách, giá thì tăng mạnh mà doanh nghiệp xăng dầu lại liên tục "kêu khổ". "Xăng dầu lên giá thì không chỉ bà con, doanh nghiệp ngành khác mà chúng tôi cũng vô cùng cùng cực", ông Thắng - một giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - than vãn.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 6

Tối hôm 10/3 - trước phiên điều chỉnh đưa giá xăng lên mức lịch sử gần 30.000 đồng/lít, chính ông Thắng đã phải cùng 3 nhân viên khác "căng mình" ra phục lượng khách mua tăng đột biến đến 23h mới được nghỉ ăn cơm.

"Kể được lãi hoặc hòa vốn thôi tôi cũng đỡ thấy mệt, đằng này chúng tôi không biết bao giờ mới ngừng được điệp khúc càng bán càng lỗ. Nếu cứ thế này 3 tháng liên tiếp, tôi phá sản mất", lãnh đạo doanh buồn rầu chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - chỉ ra, việc giá xăng dầu đang đi sau thế giới nên gây ra hiện tượng tăng "sốc" và cũng là lý do khiến doanh nghiệp "càng bán càng lỗ".

Theo ông Thỏa, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường lại vẫn xảy ra bất ổn. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những bất cập cả về "cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành".

Về cung cách điều hành, ông Thỏa cho rằng công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.

Vấn đề nổi cộm khác hiện nay, theo ông Thỏa, đó là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày. Nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). "Quy định đó làm cho giá trong nước lệch pha với giá thị trường thế giới. Giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo", ông Thỏa. Theo đề xuất của ông Thỏa, chu kỳ điều hành giá cần thay đổi theo hướng phù hợp với biến động của thị trường.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 7Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 8

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đề nghị cân nhắc việc có nên để Liên Bộ điều hành giá hiện nay hay không. Theo quan điểm của ông Ánh, nên bỏ cơ chế này.

"Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để quản lý giá trong khi thị trường và sản xuất do Bộ khác quản lý. Vậy quản lý giá từ đâu? Tôi cho rằng nên giao Bộ Công Thương quản lý giá, còn Bộ Tài chính thiết kế lại các khoản thu ngân sách đối với xăng dầu. Tất cả nên giao về một đầu mối để gắn với trách nhiệm. Việc liên bộ cùng quản lý rất khó để biết, việc này của ai, Bộ nào, trách nhiệm ra sao", ông Ánh đề xuất.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc giá xăng dầu "liên tục âm" ngay khi vừa điều chỉnh giá khiến doanh nghiệp "triệt tiêu" động lực kinh doanh. Dẫu biết các doanh nghiệp kinh doanh lúc lời lúc lỗ nhưng việc lỗ triền miên kéo dài sẽ tác động ngược lại, gây trục trặc cho việc thông suốt nguồn cung.

"Chúng ta chỉ cần hình dung Hà Nội hay TPHCM mất xăng dầu một ngày thôi thì tình hình kinh tế sẽ nhốn nháo như thế nào? Do vậy, bảo đảm cân đối cung cầu cũng là nguyên tắc cơ bản của điều hành giá trong thời buổi kinh tế thị trường", một chuyên gia nhấn mạnh tại tọa đàm xăng dầu vừa diễn ra tại Hà Nội.

Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 9Trước giờ đăng đàn của Bộ trưởng: Hàng loạt vấn đề xăng dầu nóng rẫy - 10

QUỸ BÌNH ỔN: BỘC LỘ NHIỀU VẤN ĐỀ, CHỈ THỰC SỰ ỔN ĐƯỢC KHI GIÁ GIẢM?

Đề cập tới những rối ren trên thị trường xăng dầu vừa qua, nhiều doanh nghiệp lại chỉ ra rằng gốc rễ vấn đề cũng liên quan tới cách điều hành quỹ bình ổn giá.

Cần nhắc lại là quỹ bình ổn từng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất khi xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nay chính là Nghị định 95.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc quỹ bình ổn xăng dầu thực chất chỉ thu tiền của người mua xăng để bình ổn cho chính họ, trong khi trách nhiệm bình ổn là của Nhà nước, chứ không thể đặt lên người tiêu dùng hay doanh nghiệp. Chưa kể, việc trích lập và chi quỹ này là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn cho rằng quỹ bình ổn đã gây ra những méo mó của thị trường và gần đây, khi giá xăng dầu tăng cao và liên tiếp thì những bất cập lại lộ rõ hơn.

"Sự bất cập thấy rất rõ ở đợt điều hành vừa rồi. Xăng dầu chỉ bình ổn khi thị trường giảm giá. Lúc giảm giá, quỹ trích lập thì mọi thứ vẫn trơn tru. Nhưng tăng cao, tăng liên tiếp, quỹ bình ổn âm là bất ổn, đứt nguồn hàng, đâu có bình ổn được thị trường? Giá vẫn rất cao. Đến khi giá giảm xuống, sẽ lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn và người tiêu dùng sẽ lại than giá giảm nhỏ giọt", lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ. Cũng theo vị này, quỹ bình ổn cũng hạn chế tính tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp vì không biết điều hành quỹ bình ổn sẽ ra sao.

Ông này cho biết, qua quan sát, khi giá thế giới giảm thì các đầu mối có nhu cầu đẩy hàng ra và tăng chiết khấu cạnh tranh cho các phân phối. Một số doanh nghiệp đầu mối có được thông tin sẽ căn cứ vào tình hình sử dụng quỹ để điều tiết nguồn hàng, cần thiết sẽ hạn chế cung cấp hàng ra.

Những bất cập từ quỹ bình ổn, theo doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến gián đoạn về nguồn cung thời gian qua khi giá xăng dầu liên tục tăng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương làm rõ vai trò, sự cần thiết của quỹ bình ổn giá xăng dầu, đề xuất việc sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/truoc-gio-dang-dan-cua-bo-truong-hang-loat-van-de-xang-dau-nong-ray-20220315182038803.htm

  • Từ khóa

Sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy lạnh?

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia rất băn khoăn khi dự thảo sửa luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại kỳ họp Quốc hội kỳ này vẫn chưa bỏ thu thuế tiêu...
07:25 - 25/11/2024
6 lượt xem

Vé xe khách Tết 2025 tăng 40 - 60%

Các bến xe khuyến khích nhà xe không tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán, nhưng nếu phải điều chỉnh để bù chi phí xe chạy rỗng cũng không quá 40 - 60% so với...
18:48 - 24/11/2024
328 lượt xem

Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng'

Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
09:23 - 24/11/2024
563 lượt xem

Giá vàng hôm nay 23.11.2024: Vàng tăng lên 5 triệu đồng/lượng

Sau 2 tuần giảm, giá vàng tuần qua đã tăng mạnh, khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Một số dự báo trong tuần tới, giá vàng sẽ tiếp...
08:32 - 24/11/2024
563 lượt xem

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
976 lượt xem