Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thời gian qua đã và tiếp tục nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, cùng với ngành chức năng, chính quyền địa phương, các chủ thể tích cực tìm kiếm đối tác đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Chủ động tìm thị trường
Năm 2020, Công ty TNHH JOY VN, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đón nhận niềm vui “kép” khi 2 sản phẩm chè lam gấc và mỳ tảo xoắn được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao (trước đó Công ty có 6 sản phẩm được công nhận). Đây đều là những sản phẩm đã khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tiếp đà thắng lợi, doanh nghiệp chủ động liên kết đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị bán lẻ tại TP Hà Nội như: Vinmart, Coopmart, Đức Thành, Việt Ý...
Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Hiệp Hoà. Ảnh: Thế Đại.
Cùng đó, công ty mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị đóng gói sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chị Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH JOY VN nói: “Việc đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ khẳng định giá trị mà còn mở ra cơ hội để sản phẩm chinh phục nhiều thị trường lớn, hướng đến xuất khẩu”.
Theo thống kê, Bắc Giang hiện đứng tốp đầu cả nước về số sản phẩm OCOP với 155 sản phẩm được công nhận, trong đó có 36 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao. Để nâng cao giá trị, các chủ thể có sản phẩm được công nhận đã chủ động tìm kiếm đối tác phân phối, tiêu thụ. Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế đã kết nối với các siêu thị đưa 3 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Gà thịt đóng túi chân không, chả gà và giò gà vào bán.
Hiện toàn bộ sản phẩm OCOP của đơn vị (khoảng 4 tấn/tháng) được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Vinmart, chuỗi cửa hàng bán lẻ PRG và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng và TP Hà Nội. Hay như sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô đóng lọ của Công ty TNHH dược thảo Trường Thọ, xã Đông Hưng (Lục Nam) cũng tìm được chỗ đứng tại một số cửa hàng thuốc lớn tại TP Hà Nội.
Anh Ong Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ chia sẻ: “Sau khi sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô đóng lọ của Công ty được công nhận OCOP 4 sao (năm 2021), lượng tiêu thụ tăng khoảng 20-30% so với trước. Để tiếp tục quảng bá sản phẩm, chúng tôi đã có kế hoạch liên kết với siêu thị GO Bắc Giang trong thời gian tới”.
Đồng hành đưa sản phẩm vươn xa
Theo đánh giá của Sở Công Thương, dù ngành có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ song đến nay mới có 60% sản phẩm OCOP vào được các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, trong đó chỉ có khoảng 1/3 chiếm lĩnh được thị trường. Ví như tại siêu thị Coopmart Bắc Giang, trong số hơn 10 nghìn mã sản phẩm được bày bán có hơn 10 sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó chỉ có 2-3 sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường; còn lại bày bán nhưng ít có người mua.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng tại siêu thị Coopmart.
Hay như tại siêu thị GO Bắc Giang, trong số 89 sản phẩm OCOP đang bày bán tại đây chỉ có 17 sản phẩm của tỉnh, tiêu biểu như: Mì chũ Xuân Trường; giấm vải/táo Kim Ngân; miến dong Việt Cường... Đáng chú ý, doanh số của các sản phẩm thấp, ít được người tiêu dùng lựa chọn.
Bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc siêu thị GO Bắc Giang cho biết: “Dù được bố trí tại các vị trí đẹp, đầu quầy song do số lượng ít, không đa dạng và không đều nên lượng khách tìm đến ít. Cùng đó các chủ thể vẫn chưa chuyên nghiệp trong bán hàng, chưa quan tâm đến các chương trình giảm giá nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại”.
Ngành Công Thương đang phối hợp với các địa phương khảo sát, xây dựng hai điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; kết nối siêu thị GO, Coopmart với một số hợp tác xã để đưa sản phẩm vào siêu thị. |
Để tiếp sức cho các chủ thể, Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt thông tin từ các Bộ, ngành Trung ương để phối hợp tốt trong công tác tiêu thụ sản phẩm; làm việc với các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Mega Market Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommer (hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+) để phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến, tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng.
Song do số sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều, quy mô sản xuất nhỏ và trung bình, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, liên kết theo chuỗi... nên số sản phẩm tìm được chỗ đứng không nhiều.
Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) nói: “Hiện chúng tôi đang đề nghị các địa phương rà soát, tổng hợp thông tin, nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP để có kế hoạch trao đổi, kết nối thông tin đến các doanh nghiệp, siêu thị. Trước mắt, ngành đang phối hợp với các địa phương khảo sát, xây dựng hai điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; kết nối siêu thị GO, Coopmart với một số hợp tác xã để đưa sản phẩm vào siêu thị.
Tuy nhiên, để đứng vững, các chủ thể cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện việc đăng ký, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm… theo quy định; cải tiến, nâng cao chất lượng bao bì, tem nhãn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng".
Theo Sỹ Quyết/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/379476/dua-san-pham-ocop-vao-he-thong-ban-le-hien-dai.html