Bước sang năm 2022, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu này bởi lẽ áp lực lạm phát là tương đối lớn.
Lạm phát có thể lên đến từ 3,6 - 4,3%
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, diễn ra chiều ngày 9/3, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nếu nhìn lại năm 2021, chúng ta có thể thấy có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.
Trong kịch bản xấu nhất, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể lên đến từ 3,6% - 4,3%
Khó khăn đầu tiên chúng ta nhìn thấy là tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, giá nguyên vật liệu trên thế giới có những diễn biến rất bất ổn, ngoài ra trong nước những đợt bùng phát dịch bệnh từ khoảng tháng 4, tháng 5 có những tác động rất sâu sắc với nền kinh tế.
Trước những khó khăn như thế, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính cũng như các bộ ngành đã có những tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01 đặt ra một quyết tâm rất lớn cho việc kiểm soát lạm phát của năm 2021 để hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2021, Việt Nam đã thành công khi kiềm chế lạm phát và chỉ tăng 1,84%, dưới 4% mục tiêu do Chính phủ đề ra, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Đồng thời, trước thành công này, Chính phủ tiếp tục đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022.
"Ngay từ cuối năm ngoái, sau khi kết quả công tác điều hành giá năm 2021 đã đạt được mục tiêu và ở mức thấp, nhưng Bộ Tài chính cũng không hề chủ quan trước những diễn biến của năm 2022, với những nguy cơ, yếu tố tác động còn rất lớn, thậm chí có những yếu tố không thể lường trước được ví dụ như xung đột giữa Nga và Ukraine" - ông Nguyễn Xuân Định nêu.
Theo ông Nguyễn Xuân Định, trong giai đoạn vừa qua, giá nguyên vật liệu, năng lượng và giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao. Đơn cử, bình quân tháng 1/2022, giá xăng dầu thành phẩm chỉ có 98 USD/thùng, thì đến nay giá xăng dầu thành phẩm đã vượt qua mức 130 USD/thùng. Tương tự, than vào thời điểm này cách đây 2 tuần trên thị trường thế giới chỉ khoảng 200 USD/tấn, thì hiện nay lên hơn 400 USD/tấn. Đây cũng là một trong những yếu tố chi phí ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát toàn cầu tăng mạnh. Ví dụ, tại châu Âu hiện nay, lạm phát bình quân của các nước đều vượt qua con số 5%. "Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, khả năng chúng ta sẽ "nhập khẩu" lạm phát, tức là việc chúng ta phải chịu gián tiếp từ hàng hóa nhập khẩu. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thì những hàng hóa nhập khẩu và yếu tố nguyên nhiên vật liệu đầu vào sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Đây là điều chúng tôi đánh giá là rủi ro nhất" - ông Nguyễn Xuân Định bày tỏ.
Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý giá còn cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam còn chịu áp lực trong việc thực hiện lộ trình giá dịch vụ công theo Nghị định của Chính phủ, mà trong năm 2021 chúng ta chưa điều chỉnh được vì bối cảnh kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cũng cần một sự đánh giá, tính toán kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các đơn vị đầu mối.
Với những nguy cơ như thế, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các đơn vị để xây dựng kịch bản điều hành giá báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo để báo cáo với Thủ tướng. "Theo chúng tôi đánh giá, với kịch bản năm 2022, lạm phát của Việt Nam có thể lên đến từ 3,6 - 4,3%. Như vậy công tác điều hành cần phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, trong quý 1 và quý 2 - là thời gian bản lề cho năm 2022" - ông Nguyễn Xuân Định cho hay.
Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê bổ sung, hiện nay, Việt Nam đang phải chịu áp lực lạm phát từ 3 yếu tố. Thứ nhất, ngay từ đầu năm 2022, tổng cầu trong nước đang tăng đột biến. Đặc biệt, trong 2 năm tới, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được triển khai sẽ trở thành một xung lực khiến tổng cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng. Như vậy, khi nhu cầu nội địa tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Do đó, khi giá nhiên liệu thế giới tăng, lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Thứ ba, nguyên nhân gây ra lạm phát nặng nhất chính là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ví dụ như đứt gãy chuỗi cung ứng khí đốt ở châu Âu.
Theo đó, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt. Đồng thời, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự hồi phục phát triển kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Trong đó, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu... và từ đó đề ra những biện pháp quản lý, điều hành giá kịp thời, góp phần bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát.
Theo Quỳnh Nga/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/giai-phap-nao-de-kiem-soat-lam-phat-thuc-day-su-hoi-phuc-phat-trien-kinh-te-173080.html