Nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang chịu sức ép tăng giá rất lớn. Cùng với giá xăng dầu và gas tăng, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng.
Khách đợi để được đổ xăng tại trạm xăng ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng mạnh nhất nên những sản phẩm thuộc ngành thực phẩm đồ khô, bánh kẹo, mì, bột làm bánh các loại… đã bắt đầu điều chỉnh.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết cùng với việc giá xăng dầu và gas tăng, dịch COVID-19 cũng khiến chuỗi cung hàng hóa bị gián đoạn, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng theo do khan hàng.
"Giá đường cát, bơ, bột và ngay cả hương liệu làm bánh cũng tăng… Cái khó của các doanh nghiệp là sức mua không tăng nên phải cân đối mức tăng giá, nếu không việc tiêu thụ còn ì ạch hơn", vị này cho biết.
Theo đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam, bộ phận thu mua vẫn đang làm việc với các nhà cung cấp trước các thông báo điều chỉnh tăng giá. "Chúng tôi vẫn chưa đánh giá mức tăng giá cụ thể vì vẫn đang làm việc với các nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng đã tác động hầu như tất cả các ngành hàng ở siêu thị", vị này cho biết.
Tương tự, đại diện hệ thống Lotte Mart Việt Nam cũng cho biết đang thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới theo thông báo của nhà cung cấp. "Chúng tôi đang tận dụng nguồn hàng còn dự trữ để cố gắng giữ giá cũ lâu chừng nào tốt chừng đó, nhưng với áp lực chi phí đầu vào đang tăng như hiện nay thì thị trường sẽ sớm có đợt điều chỉnh giá mới", vị này nhìn nhận.
Theo các nhà bán lẻ, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, giá thành nguyên vật liệu tăng nên chắc chắn thời gian tới các nhà cung cấp sẽ tăng giá bán của sản phẩm, mức tăng tùy tính chất từng nhóm ngành hàng nhưng cần tránh trường hợp "té nước theo mưa". Tại hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, bộ phận kinh doanh vẫn đang đảm bảo giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Đại diện Emart Việt Nam dẫn chứng tại siêu thị này, bộ phận thu mua luôn có kế hoạch mua hàng trước từ 3 đến 6 tháng nên chủ động được nguồn hàng và giá bán ổn định so với thị trường. Nếu do yếu tố vĩ mô ảnh hưởng lớn đến giá sản phẩm thì phía siêu thị sẽ thỏa thuận với nhà cung cấp để điều chỉnh giá, đồng thời đưa ra các chương trình khuyến mãi theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng.
Hàng quán có mặt bằng giá mới Trên thị trường, nhiều hàng quán đã điều chỉnh giá mới. Chị Hoàng Mai (quận 8, TP.HCM) cho biết khi ghé một tiệm gà rán gần nhà gọi món thì nhân viên cho biết do giá mới chưa kịp cập nhật nên khách tham khảo trên bảng giá của màn hình máy tính. "Theo giá mới, tôi thấy mỗi phần ăn đều tăng ít nhất 7.000 - 10.000 đồng tùy món. Khi mà thu nhập đang giảm sút vì ảnh hưởng dịch, có lẽ tôi phải cân nhắc kỹ hơn đi ăn uống bên ngoài dù đây là món ưa thích của con", chị Mai tính toán. L.Thanh |
Theo N.Bình/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ap-luc-tang-gia-hang-hoa-20220305075640384.htm