Giá vàng phần nào dịu lại sau khi tăng chóng mặt 2 triệu đồng/lượng trong tuần qua. Rủi ro khi mua ở mức cao nhưng khả năng tăng giá vẫn bỏ ngỏ khi khủng hoảng Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Các nhà đầu tư vàng đang cân não trước câu hỏi có nên mua vào hay không ở thời điểm này.
Rung lắc ở mức “đỉnh”
So với mức giá đỉnh gần 67 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC ngày 27.2 lùi về mức 65,5 - 65,75 triệu đồng mỗi lượng bán ra và mua vào còn 64 - 64,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng tốc độ giảm giá của vàng trong nước không theo kịp nên vẫn đang đắt hơn vàng thế giới tới 13,35 triệu đồng/lượng, tương ứng 25,4%. Độ rủi ro giá vàng trên thị trường trong nước cũng tăng lên khi các đơn vị kinh doanh vàng giãn cách giá mua và bán lên 1,2 - 1,5 triệu đồng mỗi lượng. Dù vậy nhiều người vẫn muốn “trú ẩn” vào vàng khi những thông tin chính trị căng thẳng trên thế giới cũng như lạm phát tăng...
Giá vàng SJC đang ở mức cao, có nên mua vào? NGỌC THẮNG
Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty giao dịch hàng hóa HTS, nói “dứt khoát không” vì theo ông, cú giật chạm mức cao tuần trước 1.973 USD/ounce của vàng chỉ là diễn biến nhất thời sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine chứ không phải giá vàng thiết lập xu hướng tăng. Bằng chứng là giá vàng thế giới giảm lại rất nhanh sau đó và đóng cửa tuần ở mức 1.887 USD/ounce.
Các biện pháp trừng phạt đã được các nước phương Tây và Mỹ lên kế hoạch cũng như thực thi một phần. Khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra nhưng giá vàng thế giới sau cú sốc tuần trước đã có thời gian bình ổn và quen với “tâm lý thời chiến”. Hơn nữa, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố cuối tuần này. Đây là thông tin quan trọng nhất trong tháng nên có thể thị trường sẽ rơi vào tâm lý chờ đợi, cho đến sau khi thông tin được công bố trong ngày thứ sáu.
“Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ dao động với biên độ 1.880 - 1.920 USD/ounce trước khi quyết định xu hướng. Với góc nhìn này, việc mua vàng lúc này không có lợi vì mỗi khi giá thế giới chưa rõ xu hướng, giá vàng trong nước thường được niêm yết với biên độ mua bán nới rộng và gia tăng rủi ro đối với người mua”, ông Vũ nói.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment, cũng khuyên nhà đầu tư (NĐT) cá nhân không nên mua vàng nếu chỉ giữ ngắn hạn, nhất là trong 1 tuần tới. Cần lưu ý chênh lệch giá vào những thời điểm thị trường “hot” đều được nới rộng ra rất nhiều. Tính chung giá mua bán và cả chênh lệch với thế giới hiện đã lên tới 12 - 13 triệu đồng/lượng mà giữ ngắn hạn lại càng rất nguy hiểm. Do đó NĐT nếu không có ý định nắm giữ dài hạn và nếu mua mới thì chỉ nên có một tỷ trọng nhất định. Tùy vào độ tuổi và sự chịu đựng rủi ro mà NĐT chỉ nên phân bổ tỷ lệ mua vàng từ 10 - 50%. Đặc biệt không nên sử dụng tiền vay để mua vàng hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình. Đối với người đã mua vàng từ trước, theo ông Khánh thì đừng bán ra mà nên giữ thêm 1 - 2 năm tới.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), lại có quan điểm trái ngược. Theo đó, trong ngắn hạn căng thẳng địa chính trị đó cũng chưa thể được giải quyết, vì vậy không chỉ vàng mà những hàng hóa liên quan như dầu cũng sẽ còn khả năng đi lên. Khi tình hình căng thẳng thì nhiều NĐT sẽ bổ sung một phần vàng vào danh mục đầu tư để bảo toàn tài sản là tất yếu. Một chu kỳ tăng của vàng có thể còn tiếp tục. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao đã kéo theo nhiều nguyên liệu đồng loạt đi lên khiến nguy cơ lạm phát sẽ còn dai dẳng. Đây là điều mà nhiều nước sẽ phải có hành động ngay để giải quyết bài toán cho nền kinh tế nội địa. Vì vậy nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh hơn lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới với mức có thể là 0,5% thay vì 0,25% như dự báo.
Vàng trong nước tăng giảm tùy tiện
TS Lê Đạt Chí phân tích thời gian qua khi giá vàng quốc tế giảm thì vàng trong nước chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Ngược lại khi kim loại quý bật tăng thì vàng miếng càng tăng nhanh hơn. Trên thực tế, các công ty kinh doanh vàng cũng không muốn giảm giá bán đối với lượng hàng đang nắm giữ. Điều này đã hình thành nên xu hướng thị trường vàng hầu như chỉ có tăng mà không giảm. Từ đó tâm lý người dân thấy giá giảm thì mua vào và giá tăng thì nghĩ rằng sẽ còn tăng nữa nên không vội bán ra. Nhưng ông Chí cũng cảnh báo rằng việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 20% và thậm chí lên 25% nếu kéo dài sẽ là nguy cơ cho việc buôn lậu vàng diễn ra. “Một doanh nghiệp kinh doanh cả năm rất khó khăn mới có thể đạt lợi nhuận 20% thì việc giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới trên mức này sẽ kích thích nhiều cá nhân, tổ chức phát sinh hoạt động buôn lậu. Điều này cần phải được nhà nước xem xét để kéo giảm mức chênh lệch này xuống hợp lý”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Ngoại trừ yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhận xét vàng trong nước biến động bất thường, tùy tiện, không có cơ sở như hiện nay nên việc mua vào là đầy rủi ro. “Lợi dụng” thị trường không có người bán vàng ra, các đơn vị kinh doanh đẩy giá lên cao, người mua lúc này là chịu thiệt. Làm việc trong Hội đồng vàng thế giới mấy chục năm, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng với giá vàng SJC cao hơn thế giới 25% như hiện nay, người dân phải mua vàng với mức giá “đắt đỏ”. Lạ là giá cao, người có vàng cũng chẳng thèm bán ra. Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ngày càng cao và người có vàng cũng không mang ra bán. Điều này chứng minh nhu cầu trú ẩn vào vàng là có thật. Không những người dân trong nước mà các ngân hàng trung ương thời gian qua cũng gia tăng lượng vàng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhu cầu đầu tư, nắm giữ vàng nhằm đa dạng hóa trong danh mục đầu tư không chỉ riêng gì VN. Nếu để giá trong nước cao hơn thế giới nhằm ngăn chặn, không khuyến khích người dân mua vàng thì không phải là giải pháp, người dân vẫn chịu thiệt hại, chỉ có công ty kinh doanh vàng là có lợi. Tâm lý nếu không mua thì giá sẽ còn tăng, nhất là khi thị trường không có hàng càng thôi thúc họ mua vào. Thay vì vậy, cơ quan chức năng cần có động thái can thiệp thị trường, lúc này lực bán ra của các thành viên trên thị trường tăng, giúp kéo vàng giảm giá.
Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị cho phép một vài đơn vị kinh doanh vàng sản xuất vàng, tạo cân đối cung - cầu trên thị trường để rút ngắn mức giá trong nước cao hơn thế giới. Đồng thời, cho phép việc nhập khẩu và có quản lý vàng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, tránh hiện tượng các đơn vị kinh doanh mua vàng trôi nổi ngoài thị trường. Thế nhưng 10 năm qua, những kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN.
Theo Thanh Xuân - Mai Phương/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/co-nen-tat-tay-voi-vang-post1433783.html