Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu leo thang khiến nguy cơ lạm phát nhiều nước gia tăng, đồng thời giá vàng cũng lên cao thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Giá vàng miếng SJC lên đỉnh
Hôm qua 22.2, giá dầu thô thế giới tiếp tục kéo dài chuỗi ngày đi lên và ngấp nghé ngưỡng 100 USD/thùng, tăng nhanh hơn dự báo trước đó của nhiều tổ chức quốc tế. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 20%. Điều này khiến nỗi lo lạm phát ngày càng tăng trong giới đầu tư. Ngay lập tức, giá vàng thế giới đã nhảy vọt lên trên 1.900 USD/ounce từ đầu ngày và vẫn duy trì mức này vào cuối ngày hôm qua. Nguyên nhân kim loại quý trên thị trường thế giới nổi sóng trong đêm 21.2 là do Nga công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine khiến căng thẳng tại khu vực này gia tăng. Không ngoại lệ, giá vàng miếng SJC do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố cuối ngày hôm qua tiếp tục đi lên với giá mua vào 63 triệu đồng/lượng và bán ra 63,6 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày trước đó. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay của vàng miếng SJC, dù giá vàng thế giới vẫn còn cách xa đỉnh cũ ở mức gần 2.070 USD/ounce vào cuối tháng 8.2000. Hiện nay, quy đổi tương đương vàng thế giới có giá 52,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới trên 11 triệu đồng.
Giá vàng liên tiếp tăng cao khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang cùng tình hình lạm phát trên thế giới. KHẢ HÒA
Sự lệch pha của giá vàng trong nước với thế giới khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo lắng chưa biết có nên mua vào lúc này hay không. Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh tại Maybank Investment Bank, giá vàng đang được hỗ trợ đi lên bởi nhiều yếu tố. Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng dần lãi suất và một số quốc gia khác cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Dòng tiền đã rút dần khỏi các kênh đầu tư tiền số, chứng khoán gần đây để chuyển sang trú ẩn vào một số tài sản an toàn như vàng, trái phiếu. Như vậy trong bối cảnh lạm phát gia tăng toàn cầu thì các NĐT đã phân bổ lại dòng vốn đầu tư, thay vì tập trung vào cổ phiếu hay tiền số như năm trước. Hơn nữa, kim loại quý thế giới còn được hỗ trợ tăng do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng NĐT trong nước chỉ nên mua vàng với tỷ lệ ít do giá vàng tại VN tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Giá vàng thế giới còn lâu mới vượt đỉnh nhưng giá vàng VN đã tăng quá đà và vượt đỉnh cũ. Chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới vẫn đang duy trì ở mức rất cao nên sẽ là rủi ro lớn cho người mua vào. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ. Dù trong thời gian qua tỷ giá được duy trì khá ổn định nhưng vẫn có thể biến động nên phải tính hết mọi khả năng rủi ro. Có thể giá vàng thế giới trong năm nay sẽ quay trở lại mức 2.000 USD/ounce, nhưng nếu chênh lệch giá thu hẹp vì lý do nào đó như chính sách, tỷ giá, cung cầu... thì NĐT sẽ lỗ cực kỳ nặng. Vì vậy vẫn nên phân bổ thêm các kênh đầu tư khác ngoài vàng”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Có thể mua lướt sóng ngắn hạn
Tính theo giá trên 1.900 USD/ounce vào sáng hôm qua thì tổng cộng từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 5,7% và vàng miếng SJC tăng 3,7%. Hiện tại, đa số các nhà phân tích quốc tế cũng cho rằng vàng đang đứng trước cơ hội bứt phá cao hơn do NĐT đang tìm kiếm một sự phòng hộ trước rủi ro địa chính trị. Chẳng hạn trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Bank of America khuyến nghị NĐT xem xét mua thêm vàng nếu giá vàng bứt phá khỏi vùng 1.860 - 1.880 USD/ounce và dự báo giá vàng sẽ lập thêm đỉnh mới.
Ngoài vàng, giới đầu tư cũng đang mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn hơn 1,85%, từ mức trên 1,9% vào cuối tuần trước và chỉ số USD-Index tăng lên mức 96,2 điểm trong phiên 21.2 từ mức 95,85 điểm đầu ngày trước đó. Ngược lại, chứng khoán khắp nơi bị bán mạnh. Chốt phiên hôm qua 22.2, VN-Index giảm 7,37 điểm, tương ứng giảm 0,49% xuống 1.503,47 điểm; HNX-Index cuối phiên giảm 6,56 điểm, tương ứng giảm 1,49% còn 434,43 điểm. Tương tự, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản bốc hơi 461,26 điểm, tương ứng giảm 1,71%; Hang Seng giảm 650,07 điểm, tương ứng giảm 2,69%; Shanghai của Trung Quốc giảm gần 1%; Kospi của Hàn Quốc giảm 1,35%; Straits Times Index của Singapore sụt 1,19%...
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, trong tuần này NĐT có thể mua vàng để đầu tư ngắn hạn khi vàng trong nước đang tăng chậm hơn thế giới nên khả năng còn tiếp tục đi lên. Cụ thể hơn, việc Nga công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine và triển khai lực lượng tới đây; đồng thời Mỹ và Liên minh Châu Âu triển khai một số biện pháp trừng phạt Nga đã đẩy giá vàng gia tăng và sẽ còn khả năng tiếp tục đi lên. Nhiều người mua vàng hồi đầu năm đến nay đã có lời. Hiện chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng SJC được giữ ở mức 600.000 đồng/lượng là chấp nhận được để NĐT giao dịch. Ông Hải dự đoán khả năng kim loại quý có thể tiếp tục tăng đến sát ngưỡng cản gần nhất là 1.950 USD/ounce nhưng sẽ khó để tiếp tục chạm tới mức 2.000 USD/ounce. Bởi để giá vàng lấy lại đỉnh cũ trước đây chỉ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine nhưng theo ông Hải, khả năng này rất thấp bởi các nước vẫn đang có sự kiềm chế. Trong khi đó, giá vàng bị tác động mạnh nhất bởi đồng USD nên căng thẳng Nga - Ukraine hiện chỉ là một phần thúc đẩy cho thị trường. Những biến động kinh tế tại Mỹ vẫn khiến NĐT lớn chú ý nhiều hơn trong khi liên quan của nước này với vấn đề tại Ukraine không nhiều. Vì vậy ông Hải nhấn mạnh: căng thẳng chính trị nói trên chỉ xảy ra ngắn hạn, nên NĐT mua vào lúc này nên lướt sóng và chốt lời trong ngắn hạn. Khi căng thẳng hạ nhiệt thì giá vàng sẽ quay đầu sụt giảm.
Theo Mai Phương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/co-nen-mua-vang-khi-gia-len-dinh-post1432125.html