Khả năng trở lại hoạt động bình thường 100% công suất của nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam đang là dấu hỏi rất lớn dù lộ trình cụ thể được đưa ra đến 15/3 sắp tới sẽ hoạt động bình thường.
Sau phiên điều chỉnh ngày 11/2, dù giá xăng lên cao nhất 8 năm nhưng đến nay thị trường xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn cung như mua nhỏ giọt, chiết khấu thấp, cửa hàng càng bán càng lỗ nặng (Ảnh: M.Quân).
Lỗ vài tỷ USD sau 3 năm
Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính, nhà máy phải cắt giảm công suất sản xuất từ mức 105% xuống 80% và dự kiến ngừng sản xuất sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, sau đó, có chỉ đạo của Chính phủ và sau khi có nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ PVN, nhà máy hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ 12/3 và lên mức 100% từ 15/3. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5 năm nay.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35% sản lượng xăng dầu trong nước và là đối tác cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước.
Có thể thấy vai trò của nhà máy này đóng góp trong tổng sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường không hề nhỏ và việc nhà máy này giảm công suất cũng là nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu "nháo nhác" vừa qua.
Tuy nhiên khả năng trở lại hoạt động bình thường của nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất này đang là dấu hỏi rất lớn dù lộ trình cụ thể được đưa ra là đến 15/3 sắp tới sẽ hoạt động bình thường.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD. "Để trở lại hoạt động không phải dễ", Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ cho thị trường hiện nay vẫn là nâng hết công suất các nhà máy lọc hóa dầu còn lại lên để bảo nguồn cung cho thị trường.
Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PetroVietnam góp vốn 25,1%.
Trước đó, NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/02/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Lãnh đạo PVN cho biết, tập đoàn chỉ đạo và yêu cầu đơn vị tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì, sản xuất kinh doanh đối với nhà máy Nghi Sơn.
Nguồn cung thị trường sắp tới ra sao?
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 15/2, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, vừa qua nguồn cung đứt gãy cục bộ do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất sản xuất. Một nhà máy lọc dầu chiếm 35% thị phần, giảm công suất xuống 55-60% thì thị trường thiếu hụt là "đương nhiên".
"Cũng phải thừa nhận việc trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn không phải là việc nhỏ, đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu. Đó là nguyên nhân chính, khởi nguồn", ông Đông nói.
Theo ông Đông, báo cáo của Chi nhánh phân phối sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - PVNDB, tiến độ giao hàng trong tháng 2 ít hơn bình thường do nhà máy này vẫn đang vận hành với 55% công suất. Nguồn hàng của nhà máy lọc dầu này chưa bổ sung trở lại như trước khi giảm công suất. Tuy nhiên, vị này cho rằng, tình hình trong 1-2 tuần tới sẽ tốt dần lên khi hàng về nhiều hơn.
Trước đó, báo cáo của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng đề cập chi tiết tới tình hình nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới. Cụ thể, dự kiến nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng. Trong khi đó, lượng tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tính đến 27/1 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, chưa kể tồn kho ở thương nhân phân phối và đại lý.
Theo Vụ Thị trường trong nước, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2 năm nay. Còn từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, điều trông chờ đó là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ 13/3. Trong khi đó, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp thiếu hụt.
PVoil có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến về cảng Việt Nam ngày 20/2 tới đây là 25.000m3 xăng và 42.000m3 dầu. Còn Petrolimex đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu đảm bảo theo đúng kế hoạch đăng ký.
Đại diện phía Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN cần khẩn trương đàm phán, thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để đảm bảo vấn đề duy trì hoạt động.
Hiện theo ghi nhận của PV Dân trí, sau phiên điều chỉnh ngày 11/2, dù giá xăng lên cao nhất 8 năm nhưng đến nay thị trường xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn cung như việc doanh nghiệp kêu than mua nhỏ giọt, chiết khấu thấp, càng bán càng lỗ nặng.
Sáng 16/2, một thương đầu mối than thở với Dân trí mức chiết khấu liên tục bị giảm từ hôm 11/2, đến nay chỉ còn 50 đồng/lít. Sau khi tính các chi phí vận chuyển, tiền lương, tiền mặt bằng… doanh nghiệp lỗ nặng.
Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng không kém bi đát khi giá nhập bằng giá bán, chiết khấu 0 đồng. "Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600-700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600 khối thì tháng mất 400 triệu đồng. Vậy nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, biết kêu ai giờ. Mặt hàng này không phải muốn đóng là đóng", lãnh đạo doanh nghiệp than thở.
Cũng theo chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này, vẫn có những trục trặc từ nguồn cung, lấy hàng vẫn hạn chế, nhất là mặt hàng xăng. "Nếu một cửa hàng trong nội thành bán được 700-800 khối thì lỗ to, không thể kéo dài qua 3 tháng mà tình trạng này bây giờ cũng được 1 tháng rồi", ông tâm sự.
Theo Nguyễn Mạnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nha-may-loc-hoa-dau-lon-nhat-lo-khung-va-moi-lo-thi-truong-xang-dau-20220216145200145.htm