Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã bước sang năm thứ 13, được đánh giá là một trong những Cuộc vận động có tính lâu dài và mang lại kết quả khả quan.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương đã giúp chuỗi lưu thông, phân phối hàng Việt được giữ vững, đồng thời khẳng định vị thế hàng Việt Nam trên thị trường. Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khẳng định vị thế trên thị trường
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, Cuộc vận động đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và góp phần chuyển biến nhận thức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam; khẳng định Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt Nam trên thị trường nội địa.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Cuộc vận động còn góp phần hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam rộng khắp cả nước, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản; thúc đẩy sản xuất, ổn định nền kinh tế đất nước. Thị phần tiêu dùng hàng hóa,dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam tương đối nhanh: Saigon CoopMart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm.
Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng Việt Nam đã đề cao hơn ý thức ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, vận động người thân, gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương (tháng 6 năm 2019), 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có Cuộc vận động bản thân họ đã “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”. Số liệu điều tra xã hội học cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng
Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam. Thông qua các điểm bán hàng bình ổn và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân tiếp cận được nguồn hàng chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời định hướng, khuyến khích thói quen tiêu dùng hàng Việt.
Trong khuôn khổ Cuộc vận động, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện là một chương trình tổng thể, đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực phát triển thị trường trong nước tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012.
Đề án được thực hiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn… Mục tiêu Đề án là phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi:“Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Đề án đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Do vậy, việc tổ chức, triển khai thực hiện tốt Đề án là góp phần quan trọng vào thành công chung của Cuộc vận động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giữ vững mối liên kết trong đại dịch
Thực hiện Kết luận số 77- KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV của Chính phủ, đặt mục tiêu sớm đưa đất nước về tình trạng bình thường mới. Đây là một thách thức lớn, không chỉ đối với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh mà còn là thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, giúp các doanh nghiệp “bám trụ” sản xuất, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu.
Để thực hiện “mục tiêu kép” này, việc tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa… là giải pháp quan trọng nhằm huy động sức mạnh toàn dân, tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng trong phát huy nội lực, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, không trái với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Duy trì, phát triển và đa dạng hóa các mối liên kết vùng, liên kết ngành nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trong tình hình mới, trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nhờ sự góp sức của các hoạt động kể trên, năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ 0,15% so với năm 2020, trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn tăng trưởng 10,57% so với cùng kỳ năm 2020, do nhóm hàng thiết yếu hàng ngày của người dân kể cả giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chuỗi hàng hóa Việt Nam được giữ vững, kể cả trong giai đoạn khó khăn do giãn cách kéo dài.
Có được kết quả trên là do sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương với các địa phương, doanh nghiệp để nỗ lực triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt, việc triển khai Cuộc vận động bền bỉ, liên tục trong hơn 12 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết này.
Tôi đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khác trong thời gian qua đã tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số hoặc trực tiếp nếu dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, Bộ đã lồng ghép hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước thông qua các chương trình thuộc Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông... có các văn bản hướng dẫn, đề nghị gửi các cơ quan liên quan, địa phương nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch nhằm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, phân bổ các hàng hóa viện trợ…, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong lúc dịch bệnh căng thẳng.
Triển khai hiệu quả các giải pháp trọng tâm
Phát huy các kết quả của Cuộc vận động trong hơn 12 năm qua, để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động; đặc biệt là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Nghị quyết số 06/NQMTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Các bộ, ngành, địa phương,,cơ quan liên quan ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm bằng ngân sách nhà nước, thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng... Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thông qua ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường bằng các kênh phân phối hiện đại; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra khu vực và thế giới.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật phù hợp với mục tiêu thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống khắc phục tác động của dịch Covid-19, đồng thời không trái với các quy định của WTO, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; có cơ chế điều tiết, lưu thông phân phối hàng hóa, nhằm đảm bảo cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển. Trước mắt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động với quy mô và mức hỗ trợ phù hợp để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sớm ổn định. Ban hành chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có kế hoạch xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ kết hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chính sách ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển hệ thống phân phối hiện đại, tạo sức cạnh tranh đối với các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đang từng bước lấn lướt, thâu tóm thị trường Việt Nam.
Thứ ba, các cơ quan, đơn vị liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục chỉ đạo, triển khai Cuộc vận động tại đơn vị; tăng cường trao đổi thông tin trong công tác chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trong lĩnh vực được phân công theo dõi; đồng thời phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo từ trung ương tới địa phương chủ động xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình, kết hợp và mở rộng phạm vi thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng số.
Thứ tư, đảm bảo môi trường thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường; kiên quyết xử lý những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với các cơ quan liên quan, Bộ Công Thương và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang xây dựng Chương trình phối hợp để đẩy mạnh Cuộc vận động trong thời gian tới, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đạt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Báo Công Thương
https://congthuong.vn/khang-dinh-vi-the-hang-viet-171232-171232.html