Thuế giá trị gia tăng giảm còn 8% bắt đầu từ tháng 2 được đánh giá là khó có thể tạo ra “cú hích” tăng sức mua cho thị trường, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân đã giảm mạnh do dịch bệnh suốt một thời gian dài.
Giảm thuế suất thuế GTGT 20%
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự thảo, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% sẽ được giảm 2 điểm %, còn 8%. Dự kiến, quy định này có hiệu lực từ ngày 1.2 - 31.12.2022. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách năm 2022 sẽ giảm cho phần thuế GTGT là 49.400 tỉ đồng.
Mặc dù lần này đối tượng giảm thuế GTGT được mở rộng hơn so với chính sách áp dụng 2 tháng cuối năm 2021 nhưng mức giảm lại ít hơn. Nếu tháng 11 - 12.2021, dịch vụ vận tải, ăn uống, tour… được giảm 30% thuế GTGT, tức thuế suất 10% giảm còn 7% thì sắp tới, mức thuế suất GTGT chỉ giảm 20%, từ 10% giảm còn 8%.
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT là viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhận xét mức giảm này thấp hơn kỳ vọng rất nhiều. Với mức giảm chỉ 2 điểm %, người tiêu dùng sẽ khó cảm nhận được sự tác động lên mặt bằng giá cả hàng hóa. Ví dụ, một cân thịt giá 200.000 đồng, thuế suất GTGT 10% tức 20.000 đồng, nay giảm còn 8%, tức 16.000 đồng, phần thuế giảm là 4.000 đồng/kg thịt. Mức giảm này rất khó để người dùng cảm nhận được. Một điểm đáng tiếc nữa, theo ông Nguyễn Ngọc Tú đó là thời điểm những tuần gần đây, sức mua sắm tết trên thị trường sẽ tăng nhưng việc giảm thuế GTGT áp dụng từ ngày 1.2 (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần) nên người tiêu dùng không được hưởng lợi nhiều từ chính sách này.
Cùng quan điểm, ông Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho biết sức mua hiện nay đang ở mức thấp nên mức giảm thuế GTGT 2 điểm % không kỳ vọng “kích” được sức mua. Do thu nhập người tiêu dùng đã giảm đi nhiều, dẫn đến việc họ hạn chế mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Có thể nói, chưa bao giờ thấy sức mua sắm tết sụt giảm như năm nay. Mấy năm trước có những trung tâm mua sắm kẹt xe, người mua xếp hàng thanh toán chờ cả tiếng đồng hồ, ngoài đường thì các shipper giao hàng chạy tất bật… Năm nay hoàn toàn trái ngược, chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước mọi việc vẫn khá bình thường. Điều đó cho thấy sức mua giảm đi rất nhiều. “Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm 2 điểm %, ngân sách giảm thu 49.400 tỉ đồng. Nên nếu giảm 3 điểm % là hơn 70.000 tỉ đồng. Thực tế, việc giảm thu nhiều khi không sát với con số tính toán, có những sắc thuế dự kiến giảm nhưng số thu thực tế lại tăng. Vì vậy, nên giảm 5 điểm % thì sẽ có hiệu ứng tốt hơn” - ông Xoa đề xuất.
Chưa bao giờ thấy sức mua sắm tết sụt giảm như năm nay. NGỌC DƯƠNG
Cần giám sát giá để người tiêu dùng hưởng lợi
Điều mà ông Nguyễn Ngọc Tú quan tâm hơn đó là mức giảm thuế này liệu có đến tay người tiêu dùng hay không. Thuế GTGT là do người tiêu dùng đóng, nên thuế giảm thì họ phải được hưởng lợi. Đối với những đơn vị sổ sách kế toán rõ ràng thì việc tuân thủ tốt hơn, người tiêu dùng trả ít tiền hơn khi thuế giảm. Còn đối với những đơn vị bán hàng không cần phải xuất hóa đơn, nhiều khi phần giảm này họ “lờ” đi nên giá bán ra cũng không được điều chỉnh giảm xuống.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trong năm 2021. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, vận tải kho bãi giảm 5,02%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12.2021 tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 458.500 tỉ đồng đã giúp quý 4/2021 tăng 28,1% so với quý trước, đạt 1,3 triệu tỉ đồng nhưng vẫn giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,789 triệu tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).
Trên cả nước hiện nay có hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh, thường thì họ nộp thuế khoán và không xuất hóa đơn nên việc giám sát giá cả hàng hóa, dịch vụ có được giảm từ chính sách thuế hay không sẽ rất khó. Chẳng hạn, giá bán hộp bánh trước đây 100.000 đồng, thuế giảm đi 2%, vào khoảng 2.000 đồng, tức giá sản phẩm giảm còn khoảng 98.000 đồng nhưng nhiều khi người bán vẫn giữ giá 100.000 đồng. Người mua vẫn không thể hưởng lợi từ chính sách thuế mà khâu phân phối ở giữa có khi được lợi. Chính vì vậy mà khâu giám sát chính sách cần thực hiện chặt chẽ cũng như xử lý nghiêm. Thực tế, rất nhiều dịch vụ trên thị trường tính VAT cho khách dù khách không lấy hóa đơn. Thế nên giám sát không tốt, không chặt thì chính sách khó đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Ngọc Tú dự báo do phần giảm thuế khá ít nên sức mua sau Tết Nguyên đán khó có thể tăng vượt trội. “Hy vọng với mức tăng trưởng kinh tế của năm 2022 sẽ đẩy sức mua tăng lên, đặc biệt là hàng không và du lịch” - ông Tú nói.
Luật sư Trần Xoa bình luận: “Đã giảm thì giảm cho mạnh để thấy được “cú hích” thật sự đối với nền kinh tế. Giảm thuế để kích tiêu dùng, nhà sản xuất gia tăng công suất, giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, quay lại gia tăng sức mua. Khi đó, nhà nước lại thu được thuế chứ chẳng mất đi đâu”.
Theo Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/giam-thue-it-kho-kich-suc-mua-post1421843.html