Theo chuyên gia, cần sớm có hướng dẫn của Chính phủ để triển khai từng gói, chương trình trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng càng nhanh càng tốt, sớm đi vào cuộc sống.
Quốc hội mới đây đã biểu quyết thông qua về Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Nghị quyết, chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm 3 nội dung: Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.
Trong đó, về chính sách tài khóa, Nghị quyết nêu rõ các chính sách miễn, giảm thuế doanh nghiệp, người dân được hỗ trợ.
Cụ thể là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).
Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Quốc Chính).
Kỳ vọng về gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng
Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo, chuẩn bị kỹ lượng và thống nhất cao. Chương trình này khá sát thực tiễn, có trọng tâm trọng điểm, tác động cả tổng cung, tổng cầu và tính khả thi tương đối cao.
Theo ông Lực, chương trình này là cần thiết, kịp thời khi kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Do đó, chúng ta cần có chương trình mới đảm bảo phục hồi tốt, đảm bảo hoàn thành kế hoạch 5 năm.
"Về cơ bản, doanh nghiệp, người dân đều mong muốn quy mô gói kích nhiều hơn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã cân nhắc đa chiều về năng lực ngân sách, khả năng hấp thu và những rủi ro phát sinh từ chương trình. Tôi cho rằng, quy mô gói kích thích trên đã được bàn thảo kỹ. Vấn đề của bây giờ là làm sao thực hiện cho hiệu quả", ông nói.
Tương tự, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định đây là gói hỗ trợ lớn, chưa từng có trong lịch sử vì là chương trình bổ sung ngoài khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ trong khuôn khổ phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công, trả nợ công trong năm 2022 cũng như giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là gói lần đầu tiên chúng ta chấp nhận thâm hụt ngân sách cao khoảng 5,08%, cao hơn mức Quốc hội đề ra và chấp nhận rủi ro mất cân bằng nợ công bền vững.
"Chúng ta đánh đổi những an toàn, khả năng lạm phát cao để có gói hỗ trợ lớn cho khôi phục, phát triển nền kinh tế", ông đánh giá.
Còn chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong các gói hỗ trợ, ông đặc biệt quan tâm đến gói tài trợ cho ngân hàng chính sách xã hội cho vay sinh viên, hỗ trợ lãi suất và xây dựng hạ tầng vì các gói này sẽ nhanh chóng tạo ra sự lan tỏa cho việc phục hồi kinh tế. Và vấn đề đặt ra bây giờ là làm như thế nào các gói này được thực hiện nhanh chóng và tránh mắc sai lầm.
Theo ông Nghĩa, để tránh đi lại "vết xe đổ" như gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009, chúng ta cần thực hiện các mục tiêu có hiệu quả, thông suốt. Theo ông, nhược điểm mà gói lãi suất năm 2009 gặp phải chính là hạ lãi suất cho vay xuống quá thấp khiến lãi suất ngân hàng trở nên méo mó, còn người vay thì lợi dụng vay ở chỗ rẻ rồi mang tiền đó đi cho vay ăn chênh lệch.
"Thời điểm đó, vấn đề giám sát tín dụng chưa được tốt, để tăng trưởng tín dụng xả láng lên tới 37% và dẫn tới lạm phát. Hơn nữa, gói đó thực hiện thông qua ngân hàng nên sau này Bộ Tài chính và ngân hàng không thể quyết toán nổi", ông nói. Cho nên, gói kích thích tăng trưởng lần này cần tính toán cẩn thận về mức tăng trưởng tín dụng, có thể từ 13 - 14% để tránh lạm phát.
Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm 3 nội dung: Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Có nên giảm VAT đồng loạt thay vì hỗ trợ lãi suất?
Một số ý kiến cho rằng nên giảm VAT đồng loạt thay vì hỗ trợ lãi suất. Tuy vậy, chuyên gia Cấn Văn Lực không đồng tình với quan điểm trên. Vì những mặt hàng có VAT là 5% thì không nhất thiết phải giảm thêm nữa. Các mặt hàng xa xỉ, nhập khẩu thì không nên giảm, như thế là kích cầu không đúng chỗ.
"Quan điểm tôi là với đề xuất giảm VAT từ mức 10% xuống mức 8% với nhóm hàng hóa, dịch vụ, trừ một số nhóm thuộc ngành có lợi thế phát triển là tương đối hợp. Điều này phù hợp với chuyện để kích cầu, thứ hai là phù hợp với năng lực chịu đựng của ngân sách vì chúng ta cần ưu tiên làm nhiều thứ khác", ông phân tích.
Vị chuyên gia này cho rằng, gói hỗ trợ lần này là ở cả phía cung và cầu. "Nói đúng hơn là giảm chi phí, chính là giảm thuế VAT để kích cầu và giảm một số thuế phí khác. Thứ hai là tăng khả năng tiếp cận vốn, chính là giảm lãi suất. Vì rất nhiều doanh nghiệp cần kinh doanh, họ cần vốn để đầu tư, phục hồi sản xuất".
Ông nhấn mạnh, phương án về giảm thuế VAT đã được tính toán kỹ, đa chiều khi vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, vừa giúp kích cầu là giảm thuế VAT, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Trong đó, đề xuất này đã hướng tới các lĩnh vực ưu tiên như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và lĩnh vực y tế.
Còn chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá, thuế VAT và hỗ trợ lãi suất là 2 vấn đề khác nhau. Hỗ trợ thuế là hỗ trợ cho các doanh nghiệp dù doanh nghiệp đó không vay vốn ngân hàng. Còn hỗ trợ lãi suất là hỗ trợ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
"Thuế VAT không phải là thuế đánh vào doanh nghiệp mà đánh vào thuế hàng hóa, người tiêu dùng. Giả sử, bạn đi ăn một bát phở, bạn bị đánh 10% thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng, chứ không phải quán phở nộp. Chính vì thế, giảm thuế VAT là khuyến khích tiêu dùng, làm giá hàng hóa rẻ xuống", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, Bộ Tài chính nên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các gói kích thích kinh tế. Vì đây là một gói mang nhiều tính chất ngân sách, tài khóa.
Ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra, trong nghị quyết của Quốc hội đã phân công, giao nhiệm vụ cơ chế quản lý, giám sát thế nào. Tuy nhiên, có một số việc cần làm: Thứ nhất là sớm có hướng dẫn của Chính phủ để triển khai từng gói, chương trình càng nhanh càng tốt, sớm đi vào cuộc sống. Thứ hai là có chương trình về hỗ trợ lãi suất, cần có nội dung hướng dẫn rõ hơn về đối tượng, quy trình và trách nhiệm các bên liên quan và các chương trình khác cũng tương tự như thế. Thứ ba là việc kiểm tra giám sát và thực thi phải công khai, minh bạch thì mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi, đơn giản hơn. Thứ tư là các chương trình tổng thể phải gắn kết nhuần nhuyễn với chương phòng chống dịch. Thứ năm là sự phối hợp chính sách, theo chuyên gia, ở đây cần sức mạnh tổng lực ở các bộ ngành có liên quan.
Tương tự, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng chỉ cần công khai minh bạch là các gói hỗ trợ kinh tế sẽ chảy vào đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Vì Nhà nước đã có các quy định, nguyên tắc về sử dụng tài sản công, đầu tư công, nếu ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm, nên gắn thêm trách nhiệm người đứng đầu.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/goi-ho-tro-350000-ty-dong-can-duoc-trien-khai-cang-nhanh-cang-tot-20220114061422569.htm