Mức giảm thuế VAT đã được thực hiện từ năm 2021 là tương đối nhiều rồi. Ở mức 2% dự kiến thực hiện trong năm 2022, theo tính toán, cũng giảm tới 49.000 tỉ đồng, sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Vì sao có mức giảm như vậy?
* Ông Hồ Đức Phớc (bộ trưởng Bộ Tài chính):
Giảm 2% là mức lớn, chúng tôi phải cân đối kỹ
Chúng tôi tính toán trên cơ sở là trong năm nay thực hiện chính sách tài khóa giảm thu và tăng chi như thế mà vẫn đảm bảo nguồn.
Riêng chống dịch năm vừa qua là 74.000 tỉ đồng, trong khi dự phòng ngân sách là 34.500 tỉ đồng, mà giảm, hoãn và miễn các loại thuế, phí đã là 144.000 tỉ đồng, là mức rất lớn, nên khi đưa ra chúng tôi phải cân đối.
Ban đầu chúng tôi đề xuất mỗi năm là 1%, nhưng với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên dồn lại mức giảm thuế của cả 2 năm vì dự báo có lẽ năm 2023 là khó khăn, nên tính chung là 2%, trong năm 2022 sẽ triển khai thực hiện, tạo tiền đề cho kích cầu tốt hơn của năm 2023 và nền kinh tế bật lên.
* Ông Trần Văn Lâm (ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách):
Có thể tính toán giảm mạnh còn 5%
Giảm thuế VAT là kích cầu, giảm cho người tiêu dùng chứ doanh nghiệp không được hưởng lợi trực tiếp.
Nhưng khi người dân tiêu dùng và mua sắm nhiều hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiêu thụ, bán hàng tốt hơn, kích thích sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện kích cầu, phải xem mặt hàng nào cần kích cầu, chứ không phải tất cả các mặt hàng.
Tôi cho rằng cần tập trung khuyến khích tiêu dùng với những mặt hàng thiết yếu với đời sống. Còn những mặt hàng không thiết yếu, các sản phẩm phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay mặt hàng xa xỉ, thì không nên kích cầu tiêu dùng.
Do đó, trong số các mặt hàng cần kích cầu chỉ nên lựa chọn một số và dự thảo đã xác định một số ngành chứ không phải giảm toàn bộ, tôi cho là phù hợp.
Mức giảm bao nhiêu cũng cần phải cân đối. Tôi cho rằng mức giảm 2% là tác động không lớn, hiệu ứng không thực sự rõ ràng, nên có ý kiến là cần có mức giảm khá hơn, có thể 5%.
Chưa kể, hóa đơn bán hàng hiện áp mức 5% và 10%, nên đưa ra mức 8% sẽ phải sửa đổi hệ thống phần mềm tính toán, trong khi mức 2% chưa thực sự tạo ra được tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng.
* Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh:
Thúc đẩy phục hồi kinh tế
Giảm thuế VAT, người tiêu dùng sẽ được giảm phần phải trả cho ngân sách, qua đó kích thích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, sẽ kích cầu gián tiếp, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Việc giảm thuế VAT sẽ có tác động ngay, sức lan tỏa nhanh hơn nhiều so với các chính sách giảm thuế TNDN, vì vậy giảm thuế VAT để kích thích kinh tế sẽ có tác dụng rất tốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT sẽ hiệu quả hơn khi nền kinh tế về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, các ngành phát triển trở lại. Với một số ngành có sức cầu yếu do dịch bệnh kéo dài, như ngành dịch vụ, du lịch... tác động của giảm thuế VAT sẽ không được nhiều.
Bởi nhiều khu du lịch giảm giá nhưng người dân vẫn sợ dịch bệnh nên không dám đi. Tất nhiên, nhìn trên phạm vi tổng thể, việc giảm thuế VAT sẽ kích thích cầu, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, tính lan tỏa lớn hơn.
* Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh:
Tăng giá trị tăng thêm cho sản xuất
VAT là thuế gián thu nên việc giảm thuế VAT sẽ tốt hơn là bơm tiền ra. Giảm thuế VAT sẽ có hai tác động, thứ nhất chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm, PPI giảm sẽ làm cho chu kỳ sản xuất sau giảm được giá đầu vào, giảm chi phí trung gian, qua đó làm tăng giá trị tăng thêm cho sản xuất của doanh nghiệp.
Trong khi GDP của nền kinh tế là tổng của các giá trị tăng thêm, nên có thể khẳng định biện pháp giảm thuế VAT sẽ góp phần tăng giá trị tăng thêm, làm cho GDP tăng một cách "lành mạnh".
Giảm thuế rất tốt, đặc biệt giảm các loại thuế gián thu như VAT sẽ đi vào sản xuất, trong khi giảm các loại thuế trực thu sẽ không đi vào sản xuất.
Vấn đề cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay là các chính sách giảm thuế giúp phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất phải đi liền với giảm thanh tra, kiểm tra về thuế. Cần giảm mạnh số cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế, điều này cũng giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhiều nước giảm thuế VAT để kích cầu Chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) được nhiều chính phủ sử dụng là công cụ kích thích tiêu dùng và giúp đỡ các hộ gia đình có thu nhập thấp. Vào năm 2020, Chính phủ Đức đã công bố một chương trình hỗ trợ tài chính mới cho nền kinh tế trước những thách thức từ đại dịch. Trong đó có giảm thuế VAT trị giá 20 tỉ euro (khoảng 22,6 tỉ USD). Cụ thể, từ ngày 1-7-2020 đến 31-12-2020, Đức tạm thời giảm thuế VAT từ 19% xuống còn 16%, áp dụng cho thực phẩm, giao thông, sách báo và các sự kiện văn hóa. Cuối tháng 7-2021, Cục Doanh thu nội địa (BIR) của Philippines quyết định hoãn kế hoạch áp dụng mức thuế VAT 12% đối với nguyên liệu thô do các công ty xuất khẩu mua trong nước. Mới nhất, vào ngày 5-1-2022, chính quyền bang Gujarat của Ấn Độ đã thông báo giảm 20% thuế VAT đối với nhiên liệu tuabin hàng không (ATF) về mức 5% nhằm thúc đẩy du lịch trong bang. Gujarat thực hiện lần cắt giảm thuế VAT thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng. NGUYÊN HẠNH |
Theo N.An - B.Ngọc/Tuổi trẻ ghi
https://tuoitre.vn/vi-sao-chi-giam-thue-xuong-8-20220107083948574.htm