Phía Trung Quốc đề xuất 2 phương thức giao nhận hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn, nhưng theo tính toán, từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng chỉ giải tỏa được hơn 1.000 xe hàng.
Kiểm soát chặt đến ngày 15.3.2022
Thông tin tại Hội nghị tổng kết ngành hải quan năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức sáng nay 27.12, ông Nguyễn Hữu Vượng, Cục phó phụ trách Cục Hải quan Lạng Sơn, đã cập nhật thông tin mới nhất về giải quyết hàng xuất khẩu ùn tắc tại Lạng Sơn.
Hải quan Lạng Sơn cho biết vẫn còn hơn 2.000 xe hàng xuất khẩu ùn tắc ở các cửa khẩu, hiện mỗi ngày chỉ thông quan được 78 - 90 xe
TUỆ NAM
Theo ông Nguyễn Hữu Vượng, thông tin mới nhất từ Bộ Ngoại giao cho biết, phía Trung Quốc đã thông báo tiếp tục tăng cường phòng chống Covid-19 ở các tỉnh có cửa khẩu, trong đó nêu 8 giải pháp cụ thể củng cố, phòng chống dịch Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào Trung Quốc.
Đối với cửa khẩu đường bộ tiếp giáp các nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ kéo dài đến ngày 15.3.2022, đặc biệt là giám sát chặt nguy cơ vi rút xâm nhiễm trên bao bì, sản phẩm nhập khẩu đông lạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vượng, qua làm việc với phía Hải quan tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc), trước tình hình hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, phía Trung Quốc đã đề xuất 2 phương thức giao nhận hàng hóa, gồm:
Giao nhận kiểu “gắp công”, nghĩa là chuyển toàn bộ container chở hàng sang phía Trung Quốc. Lái xe không được xuống xe, ngồi yên trong xe container sau khi chuyển container hàng cho phía Trung Quốc thì lái xe đầu kéo về Việt Nam.
Giao hàng trực tiếp ngay tại các cửa khẩu.
“Cục Hải quan Lạng Sơn đã tham mưu và đề nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn chấp nhận cả 2 phương thức giao nhận hàng này để đẩy nhanh tốc độ thông hàng hóa”, ông Vượng nói.
Đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu qua đường sắt
Theo ông Nguyễn Hữu Vượng, cập nhật đến ngày 24.12, tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn còn tồn 2.043 xe hàng, trong khi mỗi ngày năng lực thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chỉ đạt từ 78 - 90 xe. Theo tính toán, từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ khó giải tỏa được hết hàng tồn đọng.
“Dự báo của chúng tôi từ nay đến tết chỉ giải tỏa được khoảng trên 1.000 xe hàng, số còn lại sẽ tiếp tục bị dồn lại”, ông Vượng nói.
Ông Vượng cho biết thêm, để giải tỏa hàng ùn tắc, Cục Hải quan Lạng Sơn và UBND tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất sẽ ưu tiên cho xuất khẩu trước đối với hàng nông sản, hàng dễ hư hỏng đã được tập kết ở khu vực cửa khẩu. Trong trường hợp xe hàng hóa chưa đưa vào cửa khẩu nhưng đã làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp cam kết phía đối tác Trung Quốc nhận được hàng ngay thì sẽ được các lực lượng chức năng bố trí đi vào các cửa khẩu theo luồng riêng.
“Các trường hợp này phải xử lý cho vượt tuyến để sớm được xuất khẩu và Hải quan Lạng Sơn đã có phương án chống tiêu cực trong xử lý xe vượt tuyến, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp cho cơ quan hải quan, cũng như các cơ quan kiểm soát tại cửa khẩu”, ông Vượng nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có trao đổi với phía đối tác để chuyển giao hàng qua cửa khẩu đường bộ sang đường sắt, trong bối cảnh vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng đường sắt vẫn diễn ra thuận lợi.
“Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” nên kiểm soát chặt chẽ về người và hàng hóa xuất khẩu, trong khi vận chuyển hàng hóa qua đường sắt chỉ có một tổ kiểm soát, lái tàu không liên quan đến nhiều người như ở cửa khẩu đường bộ, nên đưa hàng đi qua đường sắt rất thuận lợi”, ông Vượng phân tích.
Ông Vượng cũng thông tin thêm, ngày 29.12 tới, Hải quan tỉnh Nam Ninh sẽ hội đàm với Hải quan các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và tại cuộc làm việc này, Cục hải quan Lạng Sơn tiếp tục kiến nghị trong thống nhất giải pháp kiểm soát Covid-19 để tạo điều kiện giải tỏa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại địa bàn Lạng Sơn.
Theo Phan Hậu/Thanh niên
https://thanhnien.vn/trung-quoc-de-xuat-2-phuong-thuc-giao-hang-giai-toa-hang-un-tac-o-lang-son-post1415612.html