4
/
122148
Lợi ích lớn từ xuất khẩu trực tuyến
loi-ich-lon-tu-xuat-khau-truc-tuyen
news

Lợi ích lớn từ xuất khẩu trực tuyến

Thứ 2, 27/12/2021 | 09:00:39
1,305 lượt xem

Tuy chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam song xuất khẩu trực tuyến đang được nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ và vừa quan tâm

Trên nền tảng bán hàng xuyên biên giới Amazon và Alibaba, nhiều thương hiệu Việt có tiếng như gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, rong nho Trường Thọ… đã xuất hiện. Điều này gây bất ngờ cho thị trường bởi trước nay, chỉ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, chưa có thương hiệu, thiếu lợi thế và sức cạnh tranh khi xuất khẩu theo cách truyền thống mới quan tâm đến hình thức xuất khẩu online.

Sự lựa chọn tối ưu

Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng Việt Nam được dự đoán là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) ở mức 2 con số trong năm 2021. Đặc biệt, TMĐT xuyên biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của không ít DN khi các phương thức xuất khẩu truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới năm nay tăng trưởng đến 25,7% so với năm ngoái. Còn báo cáo của Amazon Global Selling thì ghi nhận trong một năm qua (từ ngày 1-9-2020 đến 31-8-2021), hàng ngàn DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đã bán tổng cộng 7,2 triệu sản phẩm cho khách hàng thế giới, bình quân mỗi phút có 14 sản phẩm. Số lượng sản phẩm của DN nhỏ và vừa Việt Nam tiêu thụ trên Amazon tăng 34% so với năm ngoái.

Lợi ích lớn từ xuất khẩu trực tuyến - Ảnh 1.

Nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã có mặt trên các sàn giao dịch TMĐT xuyên quốc gia Ảnh: VŨ VINH

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, đánh giá TMĐT Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. "DN từ chỗ ngại ngần chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của DN Việt khi đưa sản phẩm ra thế giới" - ông Đặng Hoàng Hải nhận xét.

Thực tế, nhiều DN Việt đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Đại diện thương hiệu nón bảo hiểm Royal Helmet cho biết một trong những động lực chính khiến DN này quyết định xuất hàng qua nền tảng trực tuyến là bởi có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng mà không cần tốn công xây dựng mạng lưới, giới thiệu sản phẩm… Điều này đem lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Tương tự, bà Nguyễn Hà Mỹ Thùy, Trưởng Phòng Nhãn hàng Công ty CP LiveSpo, cho hay với các thị trường quốc tế, mục tiêu của nhãn hàng LiveSpo là "online first" (ưu tiên xuất khẩu trực tuyến). Do đó, DN đã lựa chọn một nền tảng đáp ứng khả năng phân phối đến các thị trường mục tiêu như Mỹ, Anh, châu Âu…

Trong khi đó, ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành nhãn hiệu rong nho Trường Thọ, cho rằng kênh xuất khẩu trực tuyến có thể hỗ trợ DN rất tốt trong việc xây dựng thương hiệu, điều mà cách thức xuất khẩu truyền thống không làm được. "Nếu sản phẩm của chúng tôi vượt qua được công đoạn kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Mỹ thông qua sự hỗ trợ của kênh bán hàng online và được người Mỹ tin dùng thì có thể cả thế giới sẽ tin dùng, từ đó khẳng định được đẳng cấp, uy tín của sản phẩm rong nho Trường Thọ trên thị trường quốc tế" - ông Tươi hào hứng.

Dễ mà khó

Giám đốc điều hành tại thị trường Việt Nam của một nền tảng TMĐT xuyên biên giới nhìn nhận xuất khẩu trực tuyến có thể là cơ hội lớn cho DN Việt bởi rất nhiều lợi ích nó mang lại. Tuy nhiên, để thành công, DN phải tự giải được nhiều bài toán khó.

Theo phân tích của vị giám đốc này, DN nhỏ và vừa không thể cạnh tranh đưa sản phẩm vào các kênh phân phối quốc tế theo cách truyền thống nên đã dồn sức cho xuất khẩu online với chi phí thấp. Dù vậy, để xuất khẩu online hiệu quả, DN phải đầu tư hạ tầng công nghệ một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Đây là thách thức lớn bởi để đầu tư được hạ tầng, DN không chỉ cần vốn mà còn cần tìm kiếm được đối tác công nghệ uy tín, đáp ứng được nhu cầu. Còn với DN quy mô lớn, đã xuất khẩu thành công theo cách truyền thống, hình thức bán hàng trực tuyến xuyên biên giới không quá hấp dẫn họ. Chính vì vậy, khi đối mặt dịch Covid-19 và buộc phải chuyển sang khai thác kênh online, họ lúng túng bởi trước nay chỉ có nhân lực cho phương thức B2B (bán buôn), thiếu nhân lực phù hợp cho phương thức bán hàng B2C (bán lẻ đến tận tay người dùng).

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng TMĐT xuyên biên giới là cơ hội rất lớn cho DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và làng nghề truyền thống. "DN nhỏ và vừa hiện tập trung vào thị trường nội địa, chỉ có trên 25% trong nhóm này đang đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó, chúng ta có nhiều thương hiệu mạnh, đã được bạn hàng quốc tế tin tưởng. Nếu không khắc phụ được hạn chế, tận dụng cơ hội từ TMĐT xuyên biên giới để đẩy mạnh xuất khẩu thì rất lãng phí" - ông Quốc Anh nhận định.

Trong rất nhiều hạn chế mà DN Việt cần khắc phục, ông Quốc Anh nhấn mạnh hạn chế về nguồn vốn, nhân lực số và tư duy về quản trị, thương mại quốc tế. Đặc biệt, phải đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số bởi khi hạ tầng chưa đồng bộ để kết nối trơn tru với các nền tảng nước ngoài, việc bán hàng trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn.

"DN vừa và nhỏ cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng tối ưu hóa, đổi mới sáng tạo, thay đổi mẫu mã, giá cả để cạnh tranh. Cùng với đó, có cách tiếp cận thị trường riêng, tìm hiểu rõ đặc thù của từng thị trường, xu hướng tiêu dùng thế giới…" - ông Quốc Anh góp ý. 

Nhiều kênh xuất hàng trực tuyến

Cục TMĐT và Kinh tế số vừa đưa vào vận hành mô hình TMĐT xuyên biên giới B2B2C (mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa 2 DN để tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối) qua "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn jd.com. Đây là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam đầu tiên trên sàn TMĐT quốc tế nói chung và trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng. Gian hàng sẽ tạo thêm một kênh phân phối mới cho các DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Trước đó, Cục TMĐT và Kinh tế số cũng phối hợp với các đối tác như Amazon, Alibaba... hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho DN về các kỹ năng cần thiết để tham gia TMĐT xuyên biên giới, như mở gian hàng, xử lý đơn hàng, quản lý chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành logistics...


Theo Thùy Dương/NLĐO

https://nld.com.vn/kinh-te/loi-ich-lon-tu-xuat-khau-truc-tuyen-20211226202658889.htm

  • Từ khóa

Tăng trở lại, giá gạo Việt cao nhất thế giới

Sau khi mở kho vào cuối tháng 9, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là những ngày gần đây, giá gạo trên...
10:51 - 25/11/2024
38 lượt xem

Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro

Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có...
09:55 - 25/11/2024
87 lượt xem

Sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy lạnh?

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia rất băn khoăn khi dự thảo sửa luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại kỳ họp Quốc hội kỳ này vẫn chưa bỏ thu thuế tiêu...
07:25 - 25/11/2024
150 lượt xem

Vé xe khách Tết 2025 tăng 40 - 60%

Các bến xe khuyến khích nhà xe không tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán, nhưng nếu phải điều chỉnh để bù chi phí xe chạy rỗng cũng không quá 40 - 60% so với...
18:48 - 24/11/2024
459 lượt xem

Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng'

Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
09:23 - 24/11/2024
679 lượt xem