Hai "đại gia" trong lĩnh vực bán lẻ là Thế Giới Di Động và PNJ đồng loạt ghi nhận kết quả kinh doanh tiếp tục hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm với doanh số, lợi nhuận cao hơn cả trước dịch.
Ông trùm bán lẻ điện thoại, điện máy thắng lớn dịp cuối năm
Tập đoàn Thế Giới Di Động vừa công bố doanh thu và lợi nhuận ròng trong tháng 11 lần lượt đạt 11.523 tỷ đồng và 489 tỷ đồng, tiếp tục đà phục hồi sau khi nhiều địa phương mở cửa trở lại từ đầu quý IV.
Với kết quả này, sau 11 tháng, tập đoàn bán lẻ này đã đạt doanh thu thuần tổng cộng 110.530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.395 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh của công ty hiện đã vượt cả năm 2020; còn so với kế hoạch kinh doanh, hệ thống bán lẻ này đã đạt 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Ban lãnh đạo công ty cho biết hai chuỗi điện thoại, điện máy tiếp tục hồi phục nhanh sau dịch bệnh với tổng doanh thu lũy kế vẫn tăng 5% so với cùng kỳ 11 tháng 2020. Riêng mô hình cửa hàng chuyên bán lẻ sản phẩm Apple mới thu về doanh thu bình quân 25 tỷ đồng/tháng tại mỗi điểm bán, vượt xa kỳ vọng vài tỷ đồng ban đầu.
Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh lại ghi nhận sức mua các mặt hàng tiêu dùng phục hồi chậm hơn. Trong tháng 11, chuỗi này đạt doanh số khoảng 1.800 tỷ đồng, sụt giảm khoảng 20% so với tháng 10 liền trước và vẫn chưa quay về thời điểm trước dịch. Ban lãnh đạo nhìn nhận diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp tại một số tỉnh, thành phía Nam khiến hoạt động của chuỗi bách hóa này bị ảnh hưởng đáng kể.
Các chỉ số kinh doanh chính của Thế Giới Di Động sau 11 tháng so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: MWG).
Dù vậy, với những tháng bán hàng cao điểm xuyên suốt giai đoạn dịch, cộng với việc số lượng điểm bán tăng mạnh so với năm ngoái, tổng doanh thu sau 11 tháng của Bách Hóa Xanh vẫn tăng 38% so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 26.300 tỷ đồng. Về hiệu quả tài chính, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) cấp độ toàn công ty sau 11 tháng vẫn là số dương. Đây là tiền đề để chuỗi tiến tới mục tiêu có lãi ròng sau khi trừ tất cả chi phí trong năm tới.
Tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài cũng vừa công bố kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đầy tham vọng với mục tiêu lên tới 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng. So với mục tiêu năm nay, hệ thống bán lẻ này dự kiến tăng trưởng lợi nhuận đến gần 35%, mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Đặc biệt, ban lãnh đạo công ty xác định Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở mới cửa hàng để tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành, tối ưu hiệu quả hoạt động, hướng đến việc đạt lợi nhuận bền vững vào cuối năm 2022. Sau đó, năm 2023 sẽ là thời điểm để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc.
Ngoài ra, chuỗi nhà thuốc An Khang của tập đoàn này sẽ được tập trung cả về nguồn lực tài chính và nhân sự quản lý chuyên trách để tăng tốc sau khi đạt hiệu quả tài chính ở cấp độ công ty. Đồng thời, Thế Giới Di Động cũng tiếp tục thử nghiệm kinh doanh một số ngành hàng, lĩnh vực mới bên cạnh việc tiếp tục khai thác thêm cơ hội từ trụ cột là hai chuỗi điện thoại, điện máy đóng vai trò trụ cột dòng tiền.
"Đại gia" trang sức tiếp đà phục hồi
Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 11 với doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 140 tỷ đồng. So với tháng trước đó, kết quả kinh doanh của hệ thống bán lẻ trang sức lớn nhất thị trường tiếp tục đà hồi phục và đã bắt đầu vượt doanh số, lợi nhuận của thời điểm trước dịch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh, công ty mới chỉ đạt doanh số 16.755 tỷ đồng, tương đương 80% kế hoạch năm và lợi nhuận 837 tỷ đồng, tương ứng 68% chỉ tiêu. Nhiều khả năng PNJ sẽ không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã được đại hội cổ đông thường niên thông qua khi chỉ một khoảng thời gian ngắn là kết thúc năm nay.
Kết quả doanh số của các mảng kinh doanh thuộc PNJ sau 11 tháng (Ảnh: PNJ).
Trong các kênh bán hàng của PNJ, kênh bán lẻ với vai trò chủ đạo vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2020 khi nhu cầu của người tiêu dùng hồi phục sau giãn cách và cuối năm là mùa cao điểm mua sắm. Ngược lại, kênh bán sỉ trang sức suy giảm doanh thu so với cùng kỳ trong bối cảnh nhiều cửa hàng nhỏ lẻ chật vật, không trụ được trên thị trường.
Mảng kinh doanh quan trọng còn lại với công ty là vàng miếng lại tăng trưởng tới hơn 20% khi giá vàng tăng cao trong năm nay. Tuy nhiên, đặc điểm của mảng kinh doanh vàng miếng là biên lợi nhuận thấp. Do đó, doanh thu từ vàng miếng tăng trưởng lại vô hình trung ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của cả doanh nghiệp.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-dai-gia-ban-le-qua-con-bi-cuc-quay-lai-duong-dua-20211222190913085.htm