Hơn 1 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch nhưng nhiều vườn cam Bù Sen ở xã Khai Sơn (Anh Sơn) đã có khách đặt hàng với giá bán khá cao, từ 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Cam Bù Sen với các loại cam lòng vàng, cam Xã Đoài... từ lâu đã trở thành thức quả đặc sản nức tiếng của Nghệ An bởi hương vị ngọt thanh, mọng nước. Cam Bù Sen Tri Lễ đã được trồng từ lâu trên vùng đất Anh Sơn và người dân ở đây thường quen gọi là cam Bù Sen. Cam Bù Sen được coi là loại quả đặc sản của huyện miền núi Anh Sơn. Đặc điểm của loại cam này là vỏ quả bóng, có màu vàng cam đẹp mắt, quả tròn dẹt, ăn ngọt thanh và tép giòn. Đặc biệt, cam chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên đắt khách, được giá. Đến thời điểm hiện tại, nhiều vườn cam ở xã Khai Sơn đã có nhiều đơn đặt hàng nội tỉnh, ngoại tỉnh dù còn 1 tháng nữa mới mở trại thu hoạch.
Nhiều cây cam được chủ vườn sử dụng dây buộc cành vì quá nhiều quả, tránh làm gãy cành
Ngày nay, những vườn cam đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Khai Sơn, Hội Sơn, nhiều mô hình vườn có doanh thu đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi năm. Từ lâu cam Bù Sen đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây, đặc biệt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Gần đây diện tích trồng cam Bù Sen được mở rộng ra một số xã Khai Sơn, Hội Sơn… với diện tích khoảng 23ha, sản lượng cam mỗi năm đạt trên 260 tấn/năm. Thời điểm này, người trồng cam Bù Sen đang tích cực dọn cành, dưỡng quả… chuẩn bị đón vụ cam bội thu.
Phải đến đầu tháng 12 âm lịch là thời điểm bắt đầu thu hoạch cam Bù Sen chính vụ, và thu hoạch kéo dài đến tháng giêng năm sau, tuy nhiên thời điểm này, những vườn cam Bù Sen ở xã Khai Sơn huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã bắt đầu chín… Những ngày qua các chủ vườn cam cũng đã bắt đầu đón khách vào vườn chọn cắt cam, sớm hơn nhiều so với những năm trước.
Theo người dân địa phương, nhờ thời tiết thuận lợi, không có bão lũ nên năm nay cam Bù Sen được mùa, ít bị rụng quả hơn so với những năm trước. Đầu vụ, cam Bù Sen đã có giá từ 80.000 - 120.000 đồng mỗi kg nhưng vẫn được nhiều khách hàng đến tận vườn thu mua. Năm nay, do dịch bệnh nên nhiều người đặt mua cam sớm để gửi làm quà tặng.
Cam báo hiệu một vụ mùa bội thu
Ông Trần Văn Hải ở thôn 10 xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn cho hay, gia đình ông mua vườn từ năm 2012, nhưng mãi đến năm 2017 mới trồng giống cam Bù Sen này, hiện ông có hơn 3.500 gốc cam trên 51ha diện tích trồng cam. "Thời điểm này cam bắt đầu chín bói, khoảng chừng đầu tháng 12 âm lịch là cho thu hoạch đến rằm tháng Giêng là hết vụ. Cam năm nay sai quả, không bị dịch hại nên quả to đều, đẹp mã. Các năm trước, vườn cam của gia đình luôn “cháy hàng”. Năm nay, dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng đã có nhiều khách đến tại vườn xem, đặt cọc. Có những mối khách quen ở Hà Nội đã gọi điện đặt hàng trước cả tháng nay…”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết.
Năm nay vườn cam của ông Hải có thể cho đến 40 tấn. Nhờ được chăm sóc tốt nên cam của ông được khách hàng đánh giá chất lượng hơn vụ trước.
“Các năm trước, chỉ có kênh bán hàng truyền thống, rồi thương lái đến thu mua, năm nay do dịch bệnh mọi thứ khó khăn hơn. Thế nhưng cũng rất may mắn cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, cam Bù Sen đã được chào bán trên các kênh như Postmart, Voso, Sendo.... Cam lên sàn đã giúp người nông dân như chúng tôi giới thiệu được sản phẩm của mình rộng rãi hơn, không bó hẹp trong tỉnh mà là cả nước, thậm chí cả nước ngoài đều biết đến. Ngoài ra sản phẩm của mình khi lên sàn thì mọi thông tin đều minh bạch và giúp người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp nông sản nhanh hơn, tất nhiên các chi phí khác cũng tiết kiệm hơn...”, ông Trần Văn Hải cho biết thêm.
Cam Bù Sen Anh Sơn chín rộ vào dịp Tết Nguyên đán, tuy giá bán cao nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng
Vụ cam Tết năm nay, sản lượng cam bù sen ở Anh Sơn dự kiến đạt gần 300 tấn, giá cam dự đoán sẽ cao hơn các năm trước và nằm ở mức 80.000 - 120.000 đồng/kg, đem lại doanh thu dự kiến trên 20 tỷ đồng. Hiện nhiều vườn cam đang xanh, quả đang treo trên cành nhưng đã “có chủ” nên người trồng cam bù Anh Sơn rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Ngọc Giang - Phó Phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn - cho biết: Từ khi cam Bù Sen được gắn 3 sao OCOP, người dân rất có ý thức trong việc giữ thương hiệu của mình. Để bảo tồn nguồn gốc và từng bước khôi phục, phát triển thương hiệu cam Bù Sen, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức khảo sát thực tế để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống cam Bù Sen nhằm phục vụ tốt cho việc nhân giống, mở rộng diện tích.
Ngoài việc xây dựng thương hiệu cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều gia đình ở Anh Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quy trình sản xuất cam sạch. Các hộ trồng cam đã biết cách sử dụng ứng dụng thương mại điện tử để đưa sản phẩm cam đến gần hơn với người tiêu dùng, với cách quảng bá mới này, hy vọng thương hiệu cam Bù Sen sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
“Với những đặc tính đặc trưng, cam Bù Sen Anh Sơn trở thành đặc sản nức tiếng, được lựa chọn để chưng ban thờ ngày Tết, chọn làm quà biếu Tết… Cam chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên dễ bán và bán được giá cao. Tính về hiệu quả kinh tế thì cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác…”, ông Nguyễn Ngọc Giang nói thêm.
Cam Bù Sen Tri Lễ có nguồn gốc trên 150 năm ở làng Sao Sa thuộc thôn 3, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, có thương hiệu nối tiếng của vùng đất Tri Lễ, với hương vị cam ngon mọng nước, ngọt thanh, múi vàng óng và có mùi thơm đặc trưng. Nguồn gốc xuất xứ cây cam Bù Sen theo lời kể lại rằng, vào đầu thế kỷ XX cây cam bù sen được trồng ở một số hộ ở xóm Đình, làng Tri Lễ, xã Khai Sơn. Cây cam được trồng tại vùng Nương Đình (vùng đất bãi ven sông Lam). Đến năm 1966, các hộ di dân vào làng mới có đem theo giống cam Bù Sen vào trồng và sau đó được thế hệ con cháu tiếp tục duy trì và trồng cho đến ngày nay. |
Theo Hoàng Trinh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/nghe-an-cam-bu-sen-gia-80000-120000-dongkg-khi-vao-chinh-vu-169037.html