Việc sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 7-12 vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, sẽ thực hiện thí điểm từ ngày 15-12.
Nhu cầu lớn
Theo văn bản này, trong 2 tuần đầu sẽ tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và 9 thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ). Tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần.
Trong tháng 1-2022, dự kiến mở rộng thêm các chuyến bay thường lệ với 6 thị trường: Kuala Lumpur (Malaysia), Hồng Kông (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Úc), Moscow (Nga). Tăng tần suất lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam; có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch rất lớn. Do vậy, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) với chuyến bay từ TP HCM đi San Francisco - Mỹ ngày 28-11 Ảnh: Đức Anh
Nâng cao sức cạnh tranh
Hiện nay, với các chuyến bay thường lệ chở khách tới Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam chỉ có thể khai thác theo hình thức chuyến bay hồi hương hoặc chuyến combo (chở khách chuyên gia), phép bay được cấp theo từng chuyến khi có đầy đủ bộ giấy tờ như yêu cầu.
Trong văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nêu hàng loạt rủi ro nếu không sớm mở lại đường bay quốc tế. Ngoài ra, do tỉ lệ tiêm vắc-xin tăng cao, các nước trên thế giới nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch từng bước được kiểm soát. Các điểm chính trong chính sách của các quốc gia này là không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).
Bộ GTVT vừa qua đã làm việc với các hãng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cùng đại diện các bộ, ngành liên quan gồm: Y tế, Ngoại giao, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trao đổi về giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế. Tất cả các hãng hàng không cũng như doanh nghiệp khai thác cảng hàng không đều kiến nghị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các nước và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp hàng không đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đã sẵn sàng cho việc tiếp đón các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách; trong đó 100% nhân viên phục vụ đã được tiêm vắc-xin, đã ban hành quy trình vệ sinh dịch tễ theo quy định.
Vietnam Airlines đang khai thác các đường bay với các nước Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ. Sau giai đoạn giới hạn các sản phẩm nghỉ dưỡng khép kín cho các chuyến bay thuê chuyến quốc tế, hãng dự định triển khai các chuyến bay thường lệ đến 15 quốc gia theo kế hoạch của Bộ GTVT, giới hạn tối đa 4 chuyến bay mỗi tuần cho mỗi quốc gia mục tiêu.
Còn Vietjet cho biết sau chuyến bay đầu tiên đưa khách quốc tế trở lại Phú Quốc, hãng dự kiến sẽ tiếp tục khai thác các chặng bay từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… đến một số địa phương thí điểm mở cửa đón du khách quốc tế và khai thác trở lại các chặng bay quốc tế thường lệ ngay khi được cho phép.
Ứng phó với biến chủng Omicron Trước lo ngại biến chủng Omicron có ảnh hưởng đến tiến độ mở lại đường bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam. Chuyến bay đến từ các nước khác vẫn triển khai bình thường. Không chỉ Việt Nam, các nước khác cũng đang tiến hành như vậy. |
Theo Dương Ngọc/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/ky-vong-khi-mo-cua-bau-troi-20211208215230288.htm