Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề. Dù được phép hoạt động trở lại khoảng 2 tháng nay nhưng khó khăn vẫn chồng chất, phần lớn xe khách rơi vào tình trạng "ngày chạy, ngày nghỉ".
Qua 4 đợt dịch bùng phát, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách đường bộ gần như kiệt quệ, khi sản lượng và doanh thu sụt giảm từ 70 - 80% so với trước khi diễn ra đại dịch Covid-19. Trong khi, các khoản chi phí về hao mòn, nhân sự, tiền lãi ngân hàng,… vẫn là những khoản chi thường xuyên, khiến nhiều DN đã khó lại càng khó thêm. Dù Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, trong đó, có vận tải hành khách đường bộ. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động của các nhà xe, DN vẫn phải "chờ" xin ý kiến, quyết định từ các địa phương.
Nhìn dàn xe khách đang "đắp chiếu" thành hàng trong bãi, ông Nguyễn Văn Trung - Chủ nhà xe Trung Khanh - thừa nhận, sau khi mở cửa trở lại xe khách liên tỉnh, nhiều nhà xe, DN đã chạy được vài ngày thì phải dừng hoạt động vì không có khách trong khi một số địa phương ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao.
Với loại hình vận tải taxi, ông Dương Trí Thanh - Phó Tổng giám đốc G7 Taxi - chia sẻ, lượng khách chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm chưa có dịch. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến chi phí vận hành, khiến DN càng đối mặt với khó khăn chồng chất. "Lưu lượng hành khách tại địa phương rất ít bởi vẫn còn lo sợ tình hình dịch Covid-19, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết, điều đó khiến hoạt động của DN chưa hiệu quả" - ông Thanh phân trần.
Do không đủ chi phí, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn còn khá dè dặt tăng chuyến. Lượng phương tiện tham gia hoạt động vận tải không nhiều, DN vận tải cũng không mạnh dạn đưa xe vào bến để hoạt động trở lại. Chính vì vậy, khi được phép hoạt động một số tuyến, lưu lượng phương tiện vào bến cũng rất thấp. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc - xin của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại địa bàn một số tỉnh còn thấp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN.
Các bến xe vẫn vắng khách
Doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ, công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ… khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải khách hiện đang trong cảnh "thoi thóp" chờ phá sản.
Theo Tổng cục đường bộ Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, vận tải khách liên tỉnh được dự báo vẫn sẽ còn khó khăn thêm một thời gian nữa. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở kinh doanh hoạt động bình thường trở lại thì DN vận tải mới có thể khởi sắc.
Trước tình hình này, để mở lại vận tải theo cách bình thường và bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, các DN vận tải kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ phủ vắc - xin ở các tỉnh, thành phố. Chính phủ cũng có cơ chế hỗ trợ các DN, Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ; ngân hàng bơm vốn vay cho DN phục hồi lại hoạt động vận tải; giảm thuế, phí trong xăng dầu đồng thời sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt đà tăng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay. |
Theo Trang Anh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/xe-khach-dap-chieu-168820.html