Đây là quan điểm mà chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" đang diễn ra tại Báo Thanh Niên.
Mở đầu phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch ví von: Ngành du lịch hiện như người bệnh nặng, nếu uống thuốc trễ thì dù tốn tiền nhưng cũng vô dụng.
Toàn cảnh tọa đàm. Đ.N.THẠCH
Lò xo đã liệt, không thể bật lại
Kể lại chuyến đi thực tế tại một số tỉnh miền Trung, ông Trần Du Lịch miêu tả những điểm du lịch náo nhiệt giờ chỉ còn là khung cảnh tiêu điều, không có sức sống. Có nhiều quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi tháo chốt sẽ có khả năng tự phục hồi. Thế nhưng theo ông Lịch, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi.
Chia các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh chia làm 3 loại: Thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên; Thứ hai là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất 1 phần thị trường nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được; Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để đi vay nữa.
Trong 3 nhóm này, ngành du lịch phần lớn ở nhóm 2 và nhóm 3, chỉ có số ít ở nhóm 1 nên khả năng tự phục hồi gần như không thể.
"Ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành. Trong 3 lĩnh vực lưu trú, lữ hành và vận tải thì lưu trú phát triển rất mạnh, tổng vốn đầu tư rất lớn. Hàng loạt chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy vì du lịch bất động. Họ chủ yếu dự vào tín dụng ngân hàng. Nếu họ "chết" thì ngân hàng có yên? Nói vậy để thấy hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch" - ông nói.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại tọa đàm. Đ.N.THẠCH
Không còn thời gian để chần chừ
Bàn về giải pháp mở cửa, TS Trần Du Lịch nêu 3 vấn đề:
Thứ nhất, cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 hay không. Chủ trương mở nhưng thực tế vẫn siết, vẫn ràng buộc nhiều rào cản là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, không chỉ riêng du lich.
Để giải quyết vấn đề này, quan trọng nhất là giải tỏa tâm lý sợ hãi. Chúng ta không chủ quan, nhưng không sợ hãi. Cần nhất quán thay đổi chủ trương chống dịch, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, cần ưu tiên phục hồi du lịch. Các doanh nghiệp thuộc nhóm 2 như đã nêu trên là đối tượng phải hỗ trợ ngay bằng qua các chính sách tài chính, tín dụng. Nếu những gói này làm chậm, để nhóm doanh nghiệp này "liệt" rồi thì dù có bơm tiền cũng không thể vực lại được. Song song, các doanh nghiệp ở nhóm 3 cần có giải pháp tài chính mang tính tín chấp, hỗ trợ để đứng lên.
Vấn đề thứ 3, cũng là nội dung mà ông Lịch đánh giá là điều kiện quan trọng nhất để mở cửa du lịch - mở cửa hàng không. Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở 1 nửa. Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế.
"Mở cửa du lịch, không còn thời gian để chần chừ. Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi ngay trong mùa tết sắp tới. Nếu muốn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chậm hơn nữa" - chuyên gia kinh tế hàng đầu nhấn mạnh.
Theo Hà Mai/Thanh niên
https://thanhnien.vn/khong-mo-hang-khong-dung-ban-mo-du-lich-post1408874.html