Nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo cung cầu và ổn định giá cả thị trường hàng hóa dịp cuối năm.
Nhu cầu tại thị trường nội địa tăng trở lại
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 11, thị trường trong nước nhộn nhịp hơn, tại một số địa phương. Nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Chẳng hạn tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 19/11/2021 đã 71,62% chợ truyền thống và 100% siêu thị hoạt động trở lại... Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp cuối năm
Trong tháng, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm black friday đã được tổ chức tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, Tuần lễ Thương mại điện tử diễn ra từ ngày 26-11 đến 4-12; Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 vào thứ sáu, ngày 3-12... đã góp phần kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBLHH & DTDV) tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng trước đó, đã ở mức thấp (tăng trưởng âm), nhất là trong các tháng 5,6,7,8 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước) nên tính chung 11 tháng năm 2021, TMBLHH & DTDV ước tính giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước tính chiếm 83,1%; lưu trú và ăn uống ước tính chiếm 8%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,7%...
Đa dạng giải pháp kết nối cung cầu
Để đảm bảo cung cầu và ổn định giá cả hàng hóa từ nay đến cuối năm, trên quy mô toàn quốc sẽ diễn ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, như: Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021-Vietnam Grand Sale 2021” được tổ chức từ ngày 1-12-2021 đến 1-1-2022, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia được xây dựng và triển khai trên cơ sở tạo ra một “mùa” trong năm để các thương nhân thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam đưa đến cho khách hàng, người tiêu dùng những cơ hội tiếp cận hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp.
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 là sự kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử với mức khuyến mại lên đến 100%. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng những hoạt động khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn. Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại các địa phương cũng đẩy mạnh phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại địa phương.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại, sức tiêu dùng của người dân tích lũy trong giai đoạn giãn cách xã hội, mùa mua sắm cuối năm được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra mức tăng trưởng doanh thu cao.
Về phía Bộ Công Thương, mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm là đảm bảo đủ nguồn hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp nhằm bình ổn giá cả. Triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, tháng khuyến mại tập trung quốc gia... nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất.
Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp phân phối cũng tích cực chuẩn bị nguồn hàng chu đáo, đầy đủ. Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của TP, doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến và các loại đặc sản vùng miền. Đơn vị này cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử.
Siêu thị Big C thì cho biết lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.
Các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu nhằm đa dạng nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm.
Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp cuối năm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam phát triển. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bảo Ngọc/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/da-da-ng-gia-i-pha-p-ki-ch-ca-u-ha-ng-ho-a-di-p-cuo-i-nam-168711.html