"Gian hàng Quốc gia Việt Nam" là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế, sẽ giúp doanh nghiệp Việt rộng cửa hơn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua kênh trực tuyến.
Thông tin về chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Ảnh: BCT
Ngày 30-11, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) họp báo công bố chương trình "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.COM.
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp Tập đoàn JD đưa vào vận hành mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới B2B2C thông qua "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.COM.
Đây sẽ là gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam, là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung và nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc nói riêng do Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để vận hành gian hàng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính, quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu.
Hướng dẫn doanh nghiệp phân phối theo đúng quy định sàn thương mại điện tử và của pháp luật tại nước nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình B2B2C.
Ngoài ra, Bộ Công thương khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazon, Alibaba… để hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như mở gian hàng, thực hiện các đơn hàng, khâu logistics, quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy vậy, ông Đặng Hoàng Hải, cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cũng chỉ ra những thách thức khi thực hiện giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới là khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu.
Vì vậy, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm là lợi thế. Có kỹ năng quảng bá, tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn, nắm rõ quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, bảo quản hàng hóa...
Được áp thuế riêng, thấp hơn VAT thông thường
Khi tham gia vào chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com, doanh nghiệp được miễn phí khởi tạo gian hàng, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, chi phí quảng cáo, chi phí truyền thông và các chi phí logistics khác... Đặc biệt, thuế tổng hợp áp riêng cho thương mại điện tử thấp hơn thuế VAT thông thường.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mo-gian-hang-quoc-gia-viet-nam-truc-tuyen-rong-cua-xuat-khau-vao-thi-truong-trung-quoc-20211130122702699.htm