4
/
119941
Tiền sẽ ồ ạt chảy, tư lệnh ngành băn khoăn, chuyên gia nói gì?
tien-se-o-at-chay-tu-lenh-nganh-ban-khoan-chuyen-gia-noi-gi
news

Tiền sẽ ồ ạt chảy, tư lệnh ngành băn khoăn, chuyên gia nói gì?

Thứ 3, 16/11/2021 | 17:28:04
1,331 lượt xem

Chuyên gia cho rằng kể cả gói phục hồi kinh tế lên tới 800.000 tỷ đồng đi chăng nữa thì cũng chưa đến 10% GDP, không phải con số lớn song khâu thực hiện mới chính là vấn đề đáng quan tâm.

Nỗi lo không tiêu được… tiền, tiền không tiêu đúng chỗ

Theo thông tin từ lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được Chính phủ khẩn trương xây dựng, nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề dự kiến tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu tháng 1 năm tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang tiếp cận theo hai kịch bản đó là không và có chương trình phục hồi này. Từ đó xác định mức nợ công bội chi, lạm phát cho từng kịch bản.

"Bộ đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách về tài khóa và tiền tệ như thế nào. Khả năng huy động, phân bổ sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế ra sao", ông Dũng thông tin.

Khi đề cập đến gói hỗ trợ này, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những báo cáo cụ thể trước Quốc hội liên quan đến chính sách, các công cụ để thực hiện chính sách tài khóa như thuế, thu ngân sách, nợ, chi ngân sách.

Tiền sẽ ồ ạt chảy, tư lệnh ngành băn khoăn, chuyên gia nói gì? - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Trần Thường).

Việc kết hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ theo ông Phớc, cần hợp lý, linh hoạt để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Ông cũng đưa ra thông tin đáng chú ý về kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc phát hành công trái, trái phiếu bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Gói này dự kiến huy động khoảng 180.000 tỷ đồng trong 2 năm.

Tuy nhiên, một điều Bộ trưởng Tài chính "hết sức băn khoăn" là khi chúng ta có tiền rồi thì tiền này nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào?

Thực tế, việc Bộ trưởng "hết sức băn khoăn" cũng là nỗi lo của nhiều chuyên gia kinh tế khi bàn về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

GS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới chia sẻ với Dân trí: Với con số mà báo chí vừa qua đề cập khoảng 800.000 tỷ đồng (chưa đến 10% GDP), không phải quá lớn khi mang ra so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Lược cho biết, đúng như nhận định "đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, phù hợp với khả năng thực hiện của đất nước". "Cả nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều vấn đề hệ trọng. Khi xây dựng gói này, cần gắn chặt với thực tiễn, hoàn cảnh, điều kiện ở Việt Nam", ông Lược nói điều mình băn khoăn nhất đó là khâu thực hiện.

Ông Lược lo tiền "không tiêu được" như thực tế đầu tư công thời gian qua. "Hết 10 tháng năm nay mà vẫn có tới 30 tỉnh thành giải ngân dưới 60%, có nơi còn chỉ khoảng chục phần trăm", ông Lược băn khoăn. Thứ hai, nếu tiêu được, tiền đấy sẽ vào đâu, tiêu như thế nào?

Theo ông, 10% hay 20%, 30% mà "đổ" vào chỗ không hiệu quả thì không những không có tác dụng mà còn thêm khó khăn cho nền kinh tế.

"Tôi đồng ý cần chi mạnh tay để "cứu" kinh tế, nhưng cần xem xét thận trọng đường đi của dòng tiền, rót vào đâu cho hiệu quả, rồi cơ chế giám sát làm sao để tránh lãng phí, tham nhũng. Rồi nếu không lãng phí, không tham nhũng, không có xin-cho thì liệu dự án có giải ngân được không? Rồi bệnh sợ trách nhiệm phải xử lý ra sao để dự án được thông suốt. Tất cả những điều ấy cần phải làm rõ, thẳng thắn", ông Lược nói.

Ông Lược cũng cho biết, riêng về đầu tư công kết cấu hạ tầng, ông ủng hộ phải cải thiện mạnh mẽ để tạo sức bật cho nền kinh tế. Song phân bổ vào đâu cũng cần được xem xét lại. "Lấy ví dụ, chúng ta tập trung quá nhiều vào cao tốc đường bộ, nhưng lãng quên mất những lợi thế rất lớn về đường thủy nội địa, đường sắt. Trong khi đây mới là những hệ thống giao thông vận tải có thể kéo giảm chi phí logistics, giảm chi phí cho doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả nền kinh tế…", ông Lược nói.

Áp lực về lạm phát

Ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - cho biết, các chuyên gia tính toán để hỗ trợ cho an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Việt Nam cần một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn khoảng 3% đến 4% GDP, trong đó có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

"Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và có thể vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Còn nếu mà gói hỗ trợ không đủ lớn có thể làm cho nền kinh tế chậm phục hồi và lỗi nhịp phát triển so với các nước và có thể kéo theo nhiều hệ lụy", ông Hiển nói.

Khi đề cập đến gói hỗ trợ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đã thẳng thắn nêu quan điểm: Nếu chúng ta hỗ trợ bằng tiền mặt tức là chúng ta cung tiền ra thị trường cấp tiền cho người dân, như vậy sẽ có rủi ro rất lớn là tăng lạm phát.

Nỗi lo về lạm phát là bài toán lớn được tính đến khi bàn về gói hỗ trợ, dưới góc nhìn của các chuyên gia. Các nước trên thế giới khi thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế thì tính toán lạm phát và bất ổn vĩ mô cũng được bàn tới rất kỹ.

"Lạm phát năm nay dự báo vẫn dưới 4% thì chưa phải quá đáng lo, năm nay cầu thấp. Nhưng sang năm thì áp lực không hề nhỏ bởi vì giá dầu, giá than, giá nguyên nhiên vật liệu đều tăng cả. Cả thế giới tăng, và Việt Nam thì nhập khẩu rất lớn. Các quốc gia trên thế giới cũng tung lãi suất thấp, chi ra cho gói kích cầu rất lớn…", ông Lược nói.

Ông Lược cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát đó là cầu kéo và chi phí đẩy. Theo ông Lược, do tác động của Covid-19 cầu đang rất thấp, nhưng chi phí đẩy lớn, phần lớn năng lượng, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu bên ngoài.

Tiền sẽ ồ ạt chảy, tư lệnh ngành băn khoăn, chuyên gia nói gì? - 2

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược (Ảnh: NVCC).

Về cung tiền, ông Lược cho rằng so với thời kỳ lạm phát trước đây, Ngân hàng Nhà nước hiện có kinh nghiệm hơn rất nhiều, điều hành thận trọng nên cũng không quá lo lắng về lạm phát phi mã.

Ông cũng nhấn mạnh đến các vấn đề có thể gặp phải về bong bóng chứng khoán, bất động sản khi bàn tới gói kích thích. Đây là nỗi lo của cả thế giới khi kinh tế thực không tăng trưởng. Việt Nam cũng cần hết sức thận trọng, cân nhắc về các vấn đề này.

Báo cáo trước Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2021 khả năng đạt được chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra có thể đạt được. Hiện nay đến hết tháng 10 lạm phát mới tăng 1,81%.

Tuy nhiên theo bà Hồng, trong năm 2022 rủi ro lạm phát đang có một áp lực rất là lớn. Đối với các nền kinh tế của thế giới thì đã dần phục hồi khi chiến lược tiêm vaccine bao phủ, cho nên giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng gia tăng.

"Có thể nói rằng với nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất là lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã là lên 200%, cho nên có áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu, như một đại biểu hôm qua đã phát biểu. Cho nên, có thể nói rằng đối với áp lực lạm phát cũng như áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất lớn", bà Hồng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - cho hay, cần phải có một kế hoạch tổng thể và cần phải có một thống kê, tổng hợp dự báo đầy đủ, tổng thể các gói hỗ trợ từ ngân sách bao gồm cả tài khóa và tiền tệ và cả các nguồn lực khác mà hệ thống chính trị chúng ta đã, đang và dành cho phục hồi nền kinh tế, trong đó có cả những dự báo và dự tính các nguồn lực của toàn xã hội.

"Tôi cho đây là một cơ sở khoa học rất quan trọng để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể cũng như trong đó xác định đầy đủ các nguồn lực, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định cũng như điều hành kinh tế vĩ mô một cách chính xác và hiệu quả hơn", ông Hiển nói.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, dự toán ngân sách dành cho chương trình phục hồi cần chính xác, khoa học, đúng bản chất hơn. Đồng thời tính toán cân đối với các cán cân lớn nền kinh tế.

"Chúng ta cũng cần thực hiện tốt gói hỗ trợ hiện tại. Việt Nam vẫn còn dư địa từ những gói hỗ trợ này vì làm chưa tốt, chưa nhanh, làm chưa hết. Mặt khác, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải tỏa ách tắc tồn tại, đây là nguồn lực lớn cho phát triển", ông Lực nhấn mạnh.

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tien-se-o-at-chay-tu-lenh-nganh-ban-khoan-chuyen-gia-noi-gi-20211115220055239.htm

  • Từ khóa

Làng nghề, điểm may gia công bị xóa sổ

Nhiều điểm sản xuất nhỏ, cơ sở may gia công, làng nghề đang gặp khó hoặc buộc rời bỏ cuộc chơi trước sức ép hàng ngoại nhập giá rẻ, nhất là hàng Trung...
17:00 - 25/11/2024
64 lượt xem

Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân

Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Việc sửa đổi một cách...
14:33 - 25/11/2024
125 lượt xem

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump khiến doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh nhập hàng để tích trữ, đây là cơ hội cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường...
12:40 - 25/11/2024
190 lượt xem

Tăng trở lại, giá gạo Việt cao nhất thế giới

Sau khi mở kho vào cuối tháng 9, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là những ngày gần đây, giá gạo trên...
10:51 - 25/11/2024
219 lượt xem

Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro

Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có...
09:55 - 25/11/2024
259 lượt xem