Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc nội địa chưa có kế hoạch mở cửa hoạt động trở lại vì thị trường vẫn còn đóng băng
Bà Thái Trang, một trong những thương nhân kinh doanh quần áo thời trang quy mô lớn ở chợ An Đông và An Đông Plaza (quận 5), sụt hơn 5 kg trong 6 tháng qua vì công việc làm ăn gần như tê liệt. "Tôi đóng cửa sạp nghỉ từ ngày 31-5 đến đầu tháng 11, xưởng sản xuất cũng ngưng hoạt động dài hạn. 80 công nhân của xưởng và gần chục nhân viên phụ ở sạp chợ nóng lòng quay lại làm việc nhưng hàng hóa đứng yên, không có cách nào đẩy ra thị trường thì khó lòng sản xuất tiếp" - bà Trang lo lắng.
Thị trường còn "ngủ đông"
Là đầu mối lớn cung cấp hàng may mặc cho các shop thời trang tại TP HCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung đã nhiều năm, bà Thái Trang có nhiều bạn hàng. Trước khi mở cửa bán hàng trở lại, bà đã nhắn tin, điện thoại thông báo cho những khách "ruột" để chào hàng nhưng không ai hưởng ứng.
"Khách ở TP HCM một số đóng cửa chưa mở lại, một số đang chờ sang tiệm, một số mở cửa nhưng rất ế ẩm, ưu tiên giải quyết hàng tồn nên không có nhu cầu lấy hàng mới. Khách ở miền Tây lo bị bùng dịch nên từ chối đặt hàng, miền Trung thì bắt đầu se lạnh nên không mua quần áo mùa hè trong khi hàng đang tồn là thời trang mùa hè sản xuất dịp trước lễ 30-4... Tôi đã thông báo giảm giá 10% cho các bạn hàng nhưng tình hình này giảm thêm nữa cũng khó" - bà Thái Trang chia sẻ.
Theo tiểu thương này, không chỉ bà mà một số bạn bè làm trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, thành phẩm may mặc đang bế tắc vì không tính được đường ra cho hàng hóa. Hàng tồn còn nằm kho, phụ liệu nhập sẵn chưa sản xuất bị giảm chất lượng hoặc hư hỏng nhưng trong lúc thị trường tê liệt như hiện nay không ai dám làm hàng mới.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng, cũng cho biết không ít doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng hàng may mặc nội địa bảo nhau "không làm gì", chờ tín hiệu tích cực từ thị trường. "Chúng tôi nói vui với nhau là chờ thị trường "rã đông" dần mới tính chuyện nối lại sản xuất vì hiện tại khâu sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa gặp nhau. Nhà sản xuất lẫn kinh doanh đều còn nhiều hàng tồn, nếu làm hàng mới sẽ nhiều rủi ro vì phải chấp nhận mua nguyên liệu giá cao trong khi thị trường đóng băng.
"Kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại thì khách chỉ tập trung mua hàng tiêu dùng thiết yếu. Chợ truyền thống chưa hoạt động hoặc mở rất ít, chợ đầu mối quần áo cũng vậy; giao thương hàng hóa giữa các tỉnh hầu như chưa thông, bạn hàng các tỉnh không lấy hàng. Sức mua hầu như không có, chuỗi cung ứng đứt gãy nên giá nguyên phụ liệu tăng khủng khiếp trong khi lực cầu không có nên không thể tăng giá bán hàng" - ông Sinh phân tích những nguyên nhân dẫn đến quyết định tiếp tục cho 100 công nhân nghỉ việc. Nhà sáng lập Minh Long Hưng còn khuyến khích công nhân tìm việc khác vì nhận định tình hình quá bấp bênh, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường.
"Ngành may mặc nội địa thiệt hại không thua gì ngành du lịch. Giờ muốn thị trường tốt lên thì phải kích cầu, mà để kích cầu thì người dân phải có tiền trong khi điều kiện hiện tại đại đa số đang khó kiếm tiền và tiết kiệm tiền" - ông Sinh nói thêm.
Tiểu thương bán quần áo tại chợ An Đông (quận 5, TP HCM) mỏi mòn chờ khách
Dè dặt tìm cơ hội trong khó khăn
Trong khi các DN quy mô nhỏ buộc phải tiếp tục ngừng sản xuất để tránh thiệt hại thêm thì các DN lớn dè dặt mở lại thị trường. Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, cho biết vừa mở lại thì 12 cửa hàng của công ty (đặt tại các trung tâm thương mại Vincom) đã lập tức giảm giá 50% cho hàng mùa hè, giảm luôn 20% cho hàng thu đông để thu hút khách. Cùng với đó, công ty tung một số mẫu mã mới với sản lượng chỉ bằng 50% cùng kỳ năm 2020.
"Doanh thu tệ lắm. Chẳng hạn 6 cửa hàng ở miền Tây trong hệ thống Vincom hiện không có khách, mỗi cửa hàng chỉ bán được 1-2 triệu đồng/ngày trong khi cùng kỳ các năm trước phải đạt 10-15 triệu đồng/ngày. Mọi năm thời điểm này doanh thu nội địa đã đạt khoảng 75 tỉ đồng nhưng năm nay chỉ có 15 tỉ đồng. Cố gắng lắm, từ nay đến Tết có thể kiếm thêm 10 tỉ đồng" - ông Việt thông tin.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Các DN một mặt nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, một mặt chủ động chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Ngay trong đầu năm 2021, hàng loạt DN lớn trong lĩnh vực may mặc như May 10, Việt Tiến... lên kế hoạch mở rộng thị trường trong nước để khai thác hết lợi thế cũng như hiệu quả kinh tế trên "sân nhà". Thế nhưng, dịch Covid-19 đột ngột bùng phát dữ dội làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất lẫn lưu thông hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành đã khiến kế hoạch này gián đoạn. Nay dịch tạm lắng, các DN kích hoạt lại kế hoạch dang dở.
Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans cho rằng vài năm trở lại đây, xu hướng người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm may mặc trong nước nên các DN lớn trong ngành đều có kế hoạch mở rộng thị trường nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh, các DN buộc phải đẩy mạnh kênh bán hàng online. Bản thân Việt Thắng Jeans đã tham gia bán hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử và website công ty, doanh thu mảng online tăng nhanh từ 7% trên tổng doanh thu trước đây lên mức 20% trong năm nay.
Khả năng khan hàng dù sức mua giảm Một số DN dự báo tình trạng nhiều DN tiếp tục "ngủ đông" cuối năm có thể dẫn đến khả năng nguồn hàng khan hiếm dù sức mua giảm mạnh so với mọi năm. Trường hợp dịch được kiểm soát tốt, không bùng phát trở lại, thời trang thu đông có thể tiêu thụ tốt tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Riêng tại các tỉnh trọng điểm phía Nam, nếu sức mua tăng, DN bắt nhịp sản xuất trở lại thì với giá nguyên phụ liệu tăng cao như hiện nay, giá bán cũng sẽ tăng theo. |
Theo Thanh Nhân/NLĐO
https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-may-mac-noi-dia-van-kho-khan-20211111220204039.htm