4
/
119710
Mừng, lo với lạm phát
mung-lo-voi-lam-phat
news

Mừng, lo với lạm phát

Thứ 6, 12/11/2021 | 09:39:11
1,873 lượt xem

Lạm phát được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức thấp trong năm nay song áp lực và rủi ro cho năm sau là khá lớn

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 10-2021 giảm 0,2%, đưa CPI bình quân 10 tháng về mức tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái khiến gần như chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% sẽ đạt được.

Áp lực giá đầu vào

Theo Ban Chỉ đạo điều hành giá, dù lạm phát năm 2021 được bảo đảm an toàn, thậm chí ở mức thấp, song áp lực lạm phát năm 2022 có thể sẽ lớn với hàng loạt yếu tố rủi ro có thể nhận diện được như: khủng hoảng năng lượng; giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước đang diễn ra...

Áp lực dễ nhận thấy nhất trong thời điểm này là giá xăng dầu. Ngày 10-11, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 9, thiết lập giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Bộ Công Thương giải thích giá xăng dầu trong nước biến động mạnh do chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng thế giới khi nhu cầu tăng trong bối cảnh các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh. Tổng cục Thống kê cũng nhận định giá xăng tăng khiến nhóm giao thông có chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 tăng đến 2,51% và làm cho CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam thời gian tới.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Marketing), trong bối cảnh chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy do Covid-19, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường quốc tế ngày càng tăng, nhất là giá nhiên liệu, kim loại...đang nóng lên làm tăng chi phí cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Từ đó, giá thành sản phẩm có thể tăng vọt, gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới. Vì thế, việc nhà nước tăng cường kiểm soát và có giải pháp hạn chế đà tăng giá hàng hóa là hết sức quan trọng vì nếu để lạm phát tăng cao, lãi suất tiền gửi sẽ đi lên, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Khi đó, DN sẽ rất khó phục hồi sau dịch bệnh vì chi phí vay vốn tăng, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế.

Mừng, lo với lạm phát - Ảnh 1.

Trước xu hướng tăng giá đang xảy ra ở hầu hết ngành hàng, người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Áp lực nội tại

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng nhận định chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng tăng thấp chủ yếu do áp lực giá dao động theo nhu cầu đã giảm xuống, cũng là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp. Dự báo năm 2022, khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5%.

Theo TS Cấn Văn Lực, năm 2022, áp lực lạm phát và giá cả (gồm cả giá dầu và nguyên liệu) toàn cầu dự báo còn tăng nhẹ cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và sức cầu trong nước, độ trễ tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng. Đồng thời, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do nhà nước quản lý cũng như mở rộng tài khóa, tiền tệ từ chương trình phục hồi kinh tế. Vì vậy, dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn năm 2021, song không tăng đột biến, ở mức 3,4%-3,7%. Đây vẫn là mức thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%. Mức dự báo này cũng khá tương đồng so với mức dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB...

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tốc độ khôi phục tổng cầu của Việt Nam sẽ không nhanh, ít nhất 6 tháng sau mới cơ bản hồi phục. Do đó, trong nửa đầu năm 2022, chỉ số lạm phát sẽ không chịu tác động nhiều từ tổng cầu trong nước. Tuy nhiên, điều này lại phản ánh nền kinh tế không hồi phục tích cực và có khả năng tạo tâm lý tiêu cực ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, trong đó có CPI.

Đặc biệt hơn nữa, 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập siêu 1,45 tỉ USD. Dù một phần nguyên nhân nhập siêu được cho rằng có thể do kinh tế phục hồi, DN tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất song đáng ngại hơn cả là hàng hóa thế giới tăng khiến giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao. Cùng với đó, giá cước vận tải biển không ngừng tăng cũng làm tăng chi phí cho DN. Trong khi đó, tổng cầu còn quá yếu, năng lực tài chính của người tiêu dùng rất hạn chế nên DN không dám tăng giá sản phẩm. "Tổng cầu và giá hàng hóa thấp có thể giúp CPI ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn song không thể duy trì lâu dài. Đáng lo nhất là khi kinh tế hồi phục, tổng cầu tăng lên hoặc khi DN cạn khả năng chịu lỗ thì sẽ tăng giá mạnh, gây xáo trộn thị trường và kéo CPI tăng nhanh. Tuy nhiên, nếu điều hành vĩ mô hợp lý, đặc biệt là kiểm soát cung tiền ở mức vừa phải, CPI năm 2022 dù cao hơn năm nay nhưng vẫn có khả năng kiểm soát dưới 4%" - TS Nguyễn Đức Độ nhìn nhận. 

CPI năm 2022 có thể tăng không đáng kể

Tuy áp lực từ giá hàng hóa nhập khẩu đang hiện hữu nhưng TS Nguyễn Văn Thuận tin tưởng lạm phát nước ta vẫn trong tầm kiểm soát. Bởi lẽ, một trong những yếu tố cốt lõi làm lạm phát nóng lên là tỉ giá hối đoái tăng mạnh, thế nhưng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam khá dồi dào. Đặc biệt, trong tháng 10-2021, nước ta xuất siêu hơn 1 tỉ USD. Tỉ giá VNĐ/USD từ đầu năm 2021 đến nay hết sức ổn định. Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 11, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm hơn 50 đồng/USD, chứng tỏ các các ngân hàng đang dư thừa ngoại tệ.

"Với diễn biến của tỉ giá, giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của năm 2021 cùng với các gói hỗ trợ kinh tế mà Chính phủ đã và chuẩn bị tung ra nhằm nhằm vực dậy sức mua của người dân, tôi nghĩ lạm phát năm 2022 sẽ tăng không đáng kể. Giả sử khi đó tình hình Covid-19 tốt lên, DN ồ ạt nhập khẩu hàng hóa làm tăng nhu cầu USD, có thể tác động không tốt đến thị trường ngoại tệ, làm gia tăng lạm phát thì với gần 100 tỉ USD dự trữ, Ngân hàng Nhà nước có thể bán ngoại tệ ra thị trường nhằm ổn định tỉ giá hối đoái, đà tăng của lạm phát sẽ khựng lại" - ông Thuận dự báo và đề xuất.

Mỹ đau đầu với lạm phát leo thang

Bộ Lao động Mỹ hôm 10-11 công bố dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của một loạt hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong tháng rồi tăng cao hơn nhiều so với dự đoán, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Cụ thể, CPI trong tháng 10 đã tăng 0,9% so với tháng 9-2021. Nếu so với tháng 10-2020 thì mức tăng này lên đến 6,2%, con số cao nhất kể từ tháng 12-1990. Theo đài CNBC, góp phần vào xu hướng nói trên là sự tăng mạnh của giá năng lượng (lần lượt 4,8% và 30%) và thực phẩm (0,9% và 5,3%).

Lạm phát tăng được xem là dấu ấn của sự hồi phục kinh tế từ đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng lạm phát sẽ bị kéo xuống nếu ông ký ban hành dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1.750 tỉ USD và kế hoạch hạ tầng 550 tỉ USD. Trái lại, các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng chính động thái đẩy mạnh chi tiêu đang thúc đẩy giá cả tăng. Trước mắt, ông Biden đã ra lệnh các cố vấn kinh tế hàng đầu tập trung tìm giải pháp giảm giá năng lượng, cũng như nhấn mạnh đến vai trò giám sát lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

P.Võ


Theo Thái Phương - Thùy Dương - Thy Thơ/NLĐO


https://nld.com.vn/kinh-te/mung-lo-voi-lam-phat-20211111214914428.htm

  • Từ khóa

Làng nghề, điểm may gia công bị xóa sổ

Nhiều điểm sản xuất nhỏ, cơ sở may gia công, làng nghề đang gặp khó hoặc buộc rời bỏ cuộc chơi trước sức ép hàng ngoại nhập giá rẻ, nhất là hàng Trung...
17:00 - 25/11/2024
61 lượt xem

Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân

Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Việc sửa đổi một cách...
14:33 - 25/11/2024
122 lượt xem

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump khiến doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh nhập hàng để tích trữ, đây là cơ hội cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường...
12:40 - 25/11/2024
187 lượt xem

Tăng trở lại, giá gạo Việt cao nhất thế giới

Sau khi mở kho vào cuối tháng 9, Ấn Độ đạt giá trị xuất khẩu gạo vượt 1 tỉ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, bất ngờ hơn là những ngày gần đây, giá gạo trên...
10:51 - 25/11/2024
218 lượt xem

Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro

Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có...
09:55 - 25/11/2024
257 lượt xem