Cần thiết mở rộng gói hỗ trợ để kích thích tăng trưởng kinh tế không? Và có mở rộng thì gói hỗ trợ quy mô ra sao? Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19 và mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2021 khó thành hiện thực.
Số tiền hỗ trợ thực chi từ năm 2020 đến hết tháng 9 năm nay tương đương khoảng 4% GDP. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực và những quốc gia mới nổi, đang phát triển như Việt Nam đã chi cho gói hỗ trợ kinh tế liên quan đến Covid-19 lên tới 7,7-8% GDP. Do đó, gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn.
Ảnh minh họa
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần tăng quy mô gói hỗ trợ lên thêm 1-2% GDP nữa, tức là tương đương 80-160 nghìn tỷ đồng, nhưng với điều kiện gói hiện tại cần phải tiêu hết, càng nhanh càng tốt. Gói hỗ trợ tăng thêm tập trung hỗ trợ người dân, người lao động tự do; hỗ trợ nghĩa vụ tài chính như giãn, hoãn thuế, giảm VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Về dư địa tài khóa để thực hiện gói hỗ trợ, ông Cấn Văn Lực cho rằng, nếu tăng gói hỗ trợ thêm 1-2% GDP, hoàn toàn có đủ dư địa để tiếp tục thực hiện. Ví dụ, nếu tiếp tục tăng 1% GDP thì ngoài thực hiện tốt gói hiện tại, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 4,4-4,6% GDP, khi đó nợ công khoảng 45,4-46% GDP - hoàn toàn trong ngưỡng cho phép.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu với 6,17%, đặt áp lực lên tăng trưởng quý IV và cả năm 2021 rất lớn. Do đó, để cải thiện được tốc độ tăng trưởng kinh tế, bên cạnh kiểm soát tốt dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động thì cần gói hỗ trợ đủ lớn để kích thích nền kinh tế hồi phục trở lại. Gói hỗ trợ này có thể lên tới 8-10% GDP.
Tuy nhiên, để gói hỗ trợ kinh tế lần này phát huy hiệu quả cần rút kinh nghiệm của các gói cứu trợ trước, không nên quy định quá nhiều giấy tờ làm ảnh hưởng đến khả năng giải ngân. Đặc biệt, cần giao trực tiếp, phân bổ cho từng bộ, ngành, địa phương để sớm đến được tay doanh nghiệp, người cần giúp đỡ, hỗ trợ.
Đồng tình với quan điểm cần có một gói hỗ trợ đủ lớn để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng PGS - TS. Phạm Thế Anh – chuyên gia kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân – cho rằng: Quy mô của gói hỗ trợ cần so sánh với khả năng thu ngân sách chứ không thể dựa vào GDP. Gói hỗ trợ chỉ nên tương đương 5-10% tổng thu ngân sách. PGS - TS. Phạm Thế Anh lo ngại quy mô gói hỗ trợ quá lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Vai trò của các gói hỗ trợ kinh tế là cần thiết để kích thích tăng trưởng, bởi doanh nghiệp đang cạn kiệt dòng tiền thì cần gói hỗ trợ bằng tiền, giống như người bệnh cần "ô-xy". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế Việt Nam, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất là cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại càng sớm càng tốt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh. |
Theo Hòa Nguyễn/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/goi-kich-thich-kinh-te-can-xay-dung-voi-quy-mo-phu-hop-166769.html